Dọc hai bên quốc lộ 22 (giáp Hóc Môn và quận 12), quốc lộ 1A (đoạn từ ngã tư An Sương đến ngã tư Hà Huy Giáp, Q.12) tập trung hàng chục vựa dừa cung cấp sỉ, lẻ cho nhiều nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn.
Theo quan sát của PV báo Phụ Nữ, vào chiều 15/4, dọc theo quốc lộ 22 chỉ còn vài vựa dừa còn hoạt động, số còn lại đóng cửa hoặc chỉ trưng bày vài trái dừa cho có. Nguyên nhân là do giá dừa tăng cao chóng mặt, nguồn hàng lại khan hiếm, một số vựa tạm thời đóng cửa.
Chưa năm nào giá dừa tăng cao như năm nay.
Anh Hải – Chủ vựa dừa Hải (quốc lộ 22, huyện Hóc Môn) cho biết, anh kinh doanh dừa hơn chục năm, chưa năm nào giá dừa tươi lại tăng cao, khan hàng như năm nay.
Do lấy từ thương lái nên mỗi ngày anh vẫn duy trì 500 trái để giữ mối, có hôm chỉ lấy được 200 - 300 trái, khách liên tục đặt hàng nhưng không có.
Còn một số vựa khác, họ thu mua trực tiếp tại vườn nhưng ngay cả nhà vườn cũng không đủ cung ứng hoặc bị đứt hàng; thậm chí có thương lái bỏ mối nhưng giá quá cao, họ không dám lấy vì bán ra không có lời nên tạm ngưng hoạt động.
Hiện giá thương lái bỏ mối cho vựa của anh Hải đã lên đến 14.000 đ/trái nên dừa bán ra dao động từ 15.000 – 17.000 đ/trái (giá sỉ, tùy trái lớn nhỏ).
Do mối của anh chủ yếu là các quán cà phê sân vườn, khi lấy về những nơi này bán ra giá khá cao, 35.000 đ/trái nên họ mới tiếp tục lấy hàng.
Chỉ tay vào chục trái dừa xếp trên kệ, anh Hải nói: “Lúc trước giao 50 trái dừa các quán phải bán khoảng một tuần mới hết. Giờ mới giao buổi sáng, buổi chiều các quán đã thông báo hết dừa.
Hiện dừa bán lẻ tại vựa chỉ còn hơn chục trái, loại 15.000 đ/trái thì chỉ còn duy nhất một trái này, muốn mua thêm cũng không có. Còn dừa xếp vào bao là các chủ quán cà phê đã đặt hàng hết rồi, giờ trả giá 20.000 đ/trái anh cũng không có hàng để bán”.
Theo anh Hải, mùa nắng nóng, nếu các loại nước ngọt hút hàng thì doanh nghiệp còn sản xuất ra kịp. Riêng dừa, mùa nắng nóng luôn cháy hàng vì một lứa dừa mới từ trổ bông đến ra trái phải mất tầm 7 tháng.
Vào những ngày này, thương lái khắp miền Bắc, Trung, Đông Nam Bộ đổ xô xuống miền Tây, tranh nhau vào vườn tự hái (chặt cả buồng), chủ vườn chỉ ngồi đếm dừa rồi nhận tiền.
Hiện dừa tại các vườn có giá 110.000 đ/chục 12 trái, tăng từ 1.500 – 3.000 đ/trái so với cùng kỳ năm trước. Phấn khởi do dừa được giá, khan hiếm nên nhiều chủ vườn bán luôn cả trái non (chưa có cơm dừa). B
ằng chứng là hiện nay phần lớn thị trường dừa tại TP.HCM đều là trái non hoặc vừa mới đóng cơm, nước chua chứ không ngọt. “Dừa non vẫn tiêu thụ được là do nhiều người suy nghĩ dừa non uống mát, bổ hơn dừa già” – anh Hải nói.
Còn anh Trung, chủ vựa dừa trên đường Phan Văn Đối (huyện Hóc Môn) thì cho biết, anh là người đến vườn chặt dừa trực tiếp. Cách đây 5 ngày, vựa dừa của anh hết sạch hàng, khách gọi điện hỏi đều không có.
Anh phải đi chục nhà vườn, giành giựt với các thương lái khác mới thu được khoảng 1000 trái đem về bán. Do dừa thu mua tại vườn nên giá bán rẻ hơn một chút, lẻ 15.000 đ/trái, còn sỉ là 14.000 đ/trái, trong khi một số nơi khác bán lẻ từ 17.000 - 18.000 đ/trái mà vẫn đắt như tôm tươi..
Tuy nhiên anh Trung cho biết, vài ngày tới anh phải tăng giá 1.000 – 2.000 đ/trái (cả sỉ, lẻ) vì nguồn cung tại các nhà vườn đang bị thiếu hụt.
Nguyên nhân là do cách đây không lâu dừa hạ giá nghiêm trọng, chỉ vài ngàn đồng một trái, thậm chí có khi còn 1.000 đ/trái tại vườn, nhiều nhà vườn bỏ bê chăm sóc khiến năng suất bị sút giảm. Trong khi dừa trồng phải mất 3 – 5 năm mới cho trái, từ trổ bông đến thu hoạch mất mấy tháng, dừa khô thì cả năm.
Nước dừa tươi là một trong số các loại thức uống bổ dưỡng, rất tốt đối với sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai do trong nước dừa tươi có chứa các chất gồm protein 0,3%, chất béo 0,2%, đường 4,7%, các chất khoáng Ca, Na, K. L, P, Fe... các vitamin C, PP…
Các tác dụng mà nước dừa mang lại có thể kể ra như làm đẹp da, giải nhiệt, cung cấp nước và khoáng chất, tăng cường năng lượng, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, ngăn ngừa sỏi thận,… Chính vì thế, vào những ngày hè nắng nóng như hiện nay thì nước dừa là thức uống giải khát được rất nhiều người ưa chuộng.