Ra sân ta cùng chơi
Với mong muốn đưa trò chơi dân gian và một số trò vận động trí tuệ trở thành món quà tinh thần gắn liền với tuổi thơ của học sinh, Chi đoàn giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã lên ý tưởng, xây dựng mô hình “Sân chơi trải nghiệm - sáng tạo” thông qua việc vẽ các mô hình trò chơi trên khuôn viên nhà trường.
Sự khéo léo của các cô giáo đã làm cho khoảng sân nhỏ của nhà trường trở nên nổi bật, rực rỡ đủ màu như xanh, đỏ, tím, vàng… Những trò chơi quen thuộc như nhảy lò cò, ô ăn quan... không còn đơn điệu mà đầy màu sắc với hình dáng ngộ nghĩnh và bắt mắt. Mô hình này không chỉ tạo ra môi trường học tập thân thiện, gần gũi cho học sinh, mà còn góp phần trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian.
Trường Tiểu học Sơn Bình (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thường xuyên triển khai chương trình giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo, tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian. Tùy vào sở thích mà các em có thể lựa chọn các trò “cơ bắp” như rồng rắn lên mây, nhảy sạp, cướp cờ, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột… hoặc các trò chơi trí tuệ, khéo léo như ô ăn quan, trồng nụ trồng hoa… Trần Đình Nghĩa - học sinh lớp 5A cho biết, trò chơi giúp em và các bạn thư giãn sau tiết học, đồng thời làm cho giờ ra chơi trở nên thú vị hơn nhiều.
Sau lễ khai giảng năm học
2024 - 2025 đầy trang trọng, sân trường Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) trở nên rộn ràng hơn ở phần hội với các trò chơi dân gian sôi nổi. Góc dành cho học sinh lớp 3 với trò chơi đổ nước vào chai. Các anh chị học sinh khối 4 và 5 hào hứng với trò chơi chuyền nhanh - nhảy nhanh. Học sinh khối lớp 2 chơi trò ném bóng trúng đích. Đầy lúng túng nhưng cũng vui nhộn và nhận được nhiều cổ vũ nhất có lẽ là trò chơi kẹp bóng của học sinh khối lớp 1.
Trong điều kiện công nghệ bùng nổ như hiện nay, nhiều học sinh bị lôi cuốn với những trò chơi trên mạng thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học sẽ tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh. Thế nhưng, theo cô Trần Thị Tình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư, không phải tất cả các trò chơi dân gian đều có thể đưa vào nhà trường.
Những trò chơi đưa vào không chỉ mang đậm tính dân gian, mà còn bảo đảm tính an toàn, vệ sinh cho học sinh. Hiện nay, hầu hết các trường đều đang phải cân nhắc, lựa chọn trò chơi phù hợp. Những trò chơi như đánh khăng, bắn bi, leo cột mỡ... mang đậm tính dân gian nhưng lại không phù hợp với trường học trong những giờ ra chơi, nhất là với học sinh tiểu học.
Chơi có tổ chức
So với học sinh ở cấp tiểu học và THCS thì để tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh cấp THPT là không hề đơn giản. Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn cho các thầy cô làm công tác Tổng phụ trách và Bí thư Đoàn trường về việc đưa trò chơi dân gian vào trường học. Ngoài các kỹ năng tổ chức, chương trình tập huấn đã giới thiệu khoảng gần 100 trò chơi để các trường có sự lựa chọn phù hợp.
Thầy giáo Lê Mạnh Tấn - nguyên Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, với học sinh THPT, các em không chơi ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chơi chuyền. Còn những trò chơi đơn giản như đá cầu thì các em vẫn chơi tự phát trong thời gian ra chơi.
Theo thầy Tấn, đưa trò chơi dân gian vào cấp THPT, phù hợp nhất vẫn là tổ chức thành một hoạt động lớn như hình thức Ngày văn hóa dân gian, ngày hội sinh hoạt các câu lạc bộ đội nhóm trong trường học… Ở đó, học sinh sống trong một không gian thấm đẫm chất dân gian với không khí hội hè thực sự, có cả những trò chơi vận động tập thể, hoặc trò chơi chỉ cần một nhóm nhỏ học sinh tham gia.
“Ngày hội văn hóa dân gian thực ra là ‘điểm rơi’ của việc cho học sinh chơi các trò chơi một cách có định hướng trong trường học. Với những trò chơi lớn, mang tính tập thể như nhảy sạp, nhảy dây, bao bố, thậm chí cả kéo co, học sinh cần có một thời gian tập luyện mới có sự nhuần nhuyễn.
Nên trước thời điểm diễn ra ngày hội, giờ ra chơi, Đoàn trường sẽ mở nhạc để các lớp tranh thủ luyện tập. Vì vậy, gần như học sinh THPT chơi thể thao hay các trò chơi dân gian như thế nào sẽ phụ thuộc phần nhiều vào các phong trào do nhà trường định hướng” – thầy Tấn chia sẻ.
Thầy Nguyễn Khánh Thành - Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Sơn Bình cho biết, việc tổ chức các trò chơi dân gian tạo ra sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh tham gia hoạt động tập thể, giúp các em tránh các trò chơi không lành mạnh, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ là trò chơi của trẻ con, mà nó còn chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc văn hóa.
“Nhìn vào ánh mắt, nụ cười, niềm vui và cả sự bàn tán sôi nổi của các em cho thấy trò chơi dân gian đã mang lại nhiều lợi ích lớn cho các em, gia đình và xã hội. Do vậy, không chỉ ở nhà trường mà ở cả gia đình, địa phương cũng nên tổ chức các chương trình có các trò chơi dân gian giúp các em có được sân chơi bổ ích, lành mạnh giúp các em tránh các trò chơi không lành mạnh, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào môi trường học đường và góp phần phát triển nhân cách con người toàn diện hơn”, thầy Thành nói.
Rèn kỹ năng mềm
Trò chơi, khi được đưa vào nhà trường là đã có tính mục đích. Trong điều kiện lượng thời gian học tập quá nhiều như hiện nay, thì việc tổ chức các sự kiện, vui chơi trong trường học không chỉ đơn thuần dừng lại ở giải trí.
Các gian hàng trò chơi, ẩm thực, thư pháp... trong Ngày hội văn hóa dân gian tại Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều do học sinh chủ động đăng ký, từ lựa chọn nguyên liệu, cách trang trí, tổ chức hoạt động... Sự sáng tạo của học sinh được phát huy tối đa.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền nhận xét: “Tuy diễn ra trong một ngày, nhưng ngày hội đã lôi cuốn sự tham gia tích cực, chủ động của học sinh. Đây còn là dịp để tạo sự hòa đồng, gần gũi giữa thầy với trò, trò với trò. Các em học được kỹ năng làm việc nhóm, hòa đồng với tập thể, sự chia sẻ, hỗ trợ, ứng xử trước các tình huống... thông qua các trò chơi mà không hề gượng ép”.
Ngày hội văn hóa dân gian cũng đồng thời là cơ hội cho học sinh cấp THPT trải nghiệm về hướng nghiệp. Từ việc tính toán để chọn món ăn cho gian hàng ẩm thực của mình, thi thiết kế, trình diễn thời trang... học sinh có cơ hội khám phá được năng lực bản thân, có thể định hướng để lựa chọn một số ngành nghề phù hợp trong tương lai.
Thông qua các trò chơi, gian hàng ẩm thực mang đậm nét văn hóa dân gian sẽ giúp các em hoàn thiện hơn nếp sống văn hóa, văn minh; biết gìn giữ và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cũng theo cô Minh Huệ, trong ý nghĩa đó, nên chăng mỗi địa phương cần tạo một khu vực quần thể sinh thái để học sinh rèn luyện cuộc sống tập thể. Từ những đợt sinh hoạt tập thể tại khu vực quần thể sinh thái, các em học cách hòa mình vào thiên nhiên, hình thành những kỹ năng sống, từ việc học cách tính toán, thu vén để tổ chức một bữa ăn cho một tập thể đến khả năng giải quyết các tình huống phát sinh...
Theo thầy Lê Mạnh Tấn, mỗi năm, Trường THPT Hoàng Hoa Thám có khoảng hơn 500 học sinh tốt nghiệp ra trường. Đây là một lực lượng lớn, có sức trẻ, năng động, sáng tạo và đặc biệt là nhiều trải nghiệm khi tham gia các trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian, sinh hoạt kỹ năng tại trường.
Với việc tham gia Ngày hội văn hóa dân gian, hội trại và nhiều hoạt động khác khi còn là học sinh, các em sẽ biết về cách thức tổ chức chương trình, hiểu những khó khăn và thuận lợi của mỗi học sinh khi tham gia hoạt động này, do đó sẽ cung cấp cho ban tổ chức những kinh nghiệm hết sức quý báu.