Đưa tinh thần Nghị quyết 115 vào cuộc sống mạnh mẽ, sâu sắc hơn

GD&TĐ - Hơn 4 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, góp phần quan trọng vào triển khai công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP.
Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP.

Đây là nhận định được các đại biểu thống nhất cao tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (23/4) dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. 

Cùng chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Đảm bảo kỷ cương trong công tác quản lý giáo dục

Báo cáo sơ kết triển khai Nghị định 115 của Bộ GD&ĐT, ông Trịnh Xuân Hiếu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Nghị định 115 của Chính phủ đã quy định rõ ràng và cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến quản lý nhà nước về GD&ĐT, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND các cấp tập trung, chủ động, sáng tạo thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình trong quản lý giáo dục trên địa bàn.

Bộ GD&ĐT, các bộ/ngành và UBND các cấp đã tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật về giáo dục; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hàng năm về GD&ĐT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý sai phạm, bảo đảm kỷ cương trong giáo dục; từng bước tách được quản lý nhà nước với quản trị của các đơn vị sự nghiệp; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách riêng trên cơ sở chính sách do Chính phủ quy định. Kỷ cương trong công tác quản lý giáo dục đã từng bước được đảm bảo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở từng địa phương và của cả nước.

Các tỉnh/thành phố lớn đã giao Sở GD&ĐT thực hiện một số khâu quản lý các trường ĐH, CĐ, TCCN đóng trên địa bàn; một số địa phương đã giải quyết quyết liệt, có hiệu quả các vấn đề bức xúc kéo dài như: Tiêu cực trong thi cử, dạy thêm học thêm tràn lan, liên kết đào tạo kém chất lượng, thu phí không đúng quy định.

Công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục có chuyển biến tích cực. Ngành GD&ĐT ở các cấp được chủ động tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch phát triển GD&ĐT hàng năm, cũng như xây dựng quy hoạch phát triển GD&ĐT.

Tiếp tục sửa đổi Nghị định 115 phù hợp với thực tiễn

Hơn 4 năm triển khai, Nghị định 115 đã thấy rõ kết quả tích cực, tuy nhiên, đại diện các địa phương cũng cho biết vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguyên nhân một số văn bản còn chưa thống nhất.

Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ: Một số văn bản còn chậm ban hành hoặc chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Một số nội dung tại Thông tư liên tịch 47 chưa thật phù hợp với các quy định tại Nghị định 115, dẫn đến triển khai thực hiện ở một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc…

Trước khó khăn này, đại biểu thống nhất cao mong muốn, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương sẽ đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn; từ đó, giúp triển khai thực hiện Nghị định 115 được thống nhất, hiệu quả ở các địa phương.

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh - kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan của Nghị định 115 cho phù hợp với các Nghị định 24 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 37 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện...

Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ Trần Trọng Khiếm cho rằng, để phản ánh đầy đủ, kịp thời và sâu sát tình hình giáo dục của các địa phương về Bộ GD&ĐT, đề nghị Bộ có văn bản bổ sung phân cấp cụ thể và trực tiếp cho các sở GD&ĐT quản lý các trường TCCN, CĐ, ĐH của địa phương, trừ các trường ĐH vùng thuộc Bộ; đồng thời phù hợp với điều lệ hoạt động của các trường nói trên…

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ theo lãnh thổ theo Nghị định 115 và Thông tư 47.

“Các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với các trường ĐH, CĐ cần gửi UBND thành phố, Sở GD&ĐT để phối hợp quản lý; nêu rõ trách nhiệm của Sở GD&ĐT địa phương để các trường ĐH, CĐ thực hiện các yêu cầu của Sở GD&ĐT địa phương nơi trường đặt địa điểm.” – ông Nguyễn Hữu Độ cho ý kiến.

Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cũng đề nghị Bộ GD&ĐT, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị và trên cơ sở thực tiễn, xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 115 để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

Liên quan đến nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong năm 2015, sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương soạn thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư 47 và tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 115 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 29 và đảm bảo thống nhất với Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị định 24 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Nghị định 37 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và phù hợp với thực tiễn phân cấp quản lý giáo dục hiện nay.

Triển khai Nghị định 115 trên tinh thần đổi mới

Đưa tinh thần Nghị quyết 115 vào cuộc sống mạnh mẽ, sâu sắc hơn ảnh 1Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo hội nghị 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận định: Những vấn đề phát sinh, vướng mắc gặp phải trong triển khai thực hiện Nghị định 115 là khó tránh khỏi, vì trong 4 năm, đời sống thực tiễn của Ngành có nhiều thay đổi, tư duy của chúng ta cũng thay đổi.

Bộ trưởng đề nghị, trong phạm vi công việc thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền, các Bộ, các địa phương tích cực chủ động, triển khai giải quyết những vướng mắc thuộc phạm vi của mình, tiếp tục đưa tinh thần của Nghị quyết 115 vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn.

Giải quyết những vướng mắc khi triển khai Nghị định 115, bên cạnh việc dựa trên những văn bản đã ban hành của Quốc hội, của Chính phủ, cần quán triệt tinh thần của Nghị quyết 29 và chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng, Chính phủ về đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ và các vụ, cục có liên quan, trước mắt bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới các văn bản còn thiếu để cụ thể hóa Nghị định 115; Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các vụ có liên quan của Bộ Nội vụ dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả cũng như những đề xuất, kiến nghị tại hội nghị...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ