Đưa giáo viên mầm non vào diện viên chức theo Nghị định 06

GD&TĐ - Là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện kinh tế phát triển nên Vĩnh Phúc có điều kiện quan tâm đến đời sống giáo viên mầm non. Để các cô giáo không quá thiệt thòi và có thể sống với nghề, nhiều năm nay tỉnh Vĩnh Phúc và ngành GD-ĐT đã có nhiều biện pháp, hỗ trợ nhằm khích lệ các cô vượt qua khó khăn, gắn bó với học sinh và nhà trường.

Cô và trò Trường Mầm non Việt Linh (TP Vĩnh Yên, Vinh Phúc)
Cô và trò Trường Mầm non Việt Linh (TP Vĩnh Yên, Vinh Phúc)

Tuy nhiên, với nhiều giáo viên mầm non, tâm lý không được làm viên chức Nhà nước cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, chứ đừng nói đến việc không có quỹ lương thu nhập bấp bênh ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt gia đình. Nghị định 06/2018/NĐ-CP đã thể hiện tinh thần nhân văn cao, tạo khí thế lớn cho giáo viên mầm non khi đưa họ vào diện viên chức có hưởng lương.

Quan tâm phát triển GD Mầm non

Năm học này, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 183 trường MN (173 trường công lập, 10 trường tư thục). Có 1.600 nhóm trẻ với gần 26.000 cháu. Toàn tỉnh có 8.060 CBQL, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 449 CBQL; 7.511 giáo viên; 926 nhân viên. Sở GD&ĐT đã đề xuất UBND tỉnh giao chỉ tiêu giáo viên mầm non bổ sung giáo viên và chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hợp đồng thêm giáo viên cho các trường mầm non. Đặc biệt, Vĩnh Phúc còn có 23 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 16 khu đang hoạt động, cùng 21 trường MN và 45 nhóm trẻ độc lập tư thục với 780 giáo viên đáp ứng nhu cầu cho trẻ đến lớp mầm non với tỷ lệ trẻ ra lớp đạt 99,6%.

Theo bà Vũ Thị Ngọc – Trưởng Phòng GDMN, Sở GD&ĐT: Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã nỗ lực rất lớn cho việc đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ của người dân. Quy mô trường, lớp mầm non được quy hoạch hợp lý phù hợp với điều kiện các địa phương, chú trọng đa dạng hóa các loại hình GDMN. Tỉnh khuyến khích phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục; xây thêm phòng học để huy động thêm ở loại hình công lập. Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện một số cơ chế chính sách, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thành lập các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn theo quy hoạch, hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi thiết yếu cho nhóm trẻ độc lập tư thục, hỗ trợ kinh phí tập huấn về phương pháp quản lý nhóm trẻ, cách quản lý trẻ, chăm sóc dinh dưỡng vệ sinh, an toàn, phòng tránh tai nạn cho trẻ.

Tổ chức hoạt động cho trẻ tại Trường Mầm non Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc)
  • Tổ chức hoạt động cho trẻ tại Trường Mầm non Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc)

Hiện thực hóa Nghị định 06

Ngay sau khi Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ được ban hành, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đồng thời đề xuất triển khai thực hiện Nghị định số 06/2018/NĐ-CP. Đặc biệt trong đó là việc tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đến chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, đảm bảo 100% giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng lương, bảo hiểm, phụ cấp, tăng lương như giáo viên biên chế. Công tác rà soát cho thấy, năm học 2018 - 2019, các trường mầm non công lập tỉnh Vĩnh Phúc có 3.766 giáo viên mầm non, so với Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BDGĐT-BNV của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ về việc Quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập còn thiếu so với định mức tối đa là 1.878 người.

Hiện Vĩnh Phúc còn 3.714 giáo viên mầm non được hưởng phụ cấp và thâm niên và chưa thực hiện việc chuyển xếp lương theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP. Việc này là do những yếu tố khách quan cần được tiếp tục có hướng dẫn thực hiện. Từ thực tế Vĩnh Phúc, chúng tôi kiến nghị với Bộ GD&ĐT cho đội ngũ giáo viên hợp đồng trong định mức được HĐND tỉnh giao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được tiếp tục hưởng lương và các chế độ, chính sách như đang hưởng. Nếu phải xếp lại theo lương chức danh nghề nghiệp hạng IV thì đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể cách xếp để tỉnh có căn cứ thực hiện. Bà Vũ Thị Ngọc 

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động được hưởng lương, chế độ theo đúng quy định. Đến thời điểm này, thực hiện theo Nghị quyết số 29/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV, thì đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng trong định mức được giao trên địa bàn tỉnh đã được hưởng chế độ, chính sách như giáo viên mầm non biên chế: Được xếp lương theo trình độ đào tạo theo bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như giáo viên mầm non là viên chức.

Bà Vũ Thị Ngọc – Trưởng Phòng GDMN - cho biết: “Năm học này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc hợp đồng giáo viên năm học 2018 - 2019, UBND các huyện, thành phố hợp đồng 520 giáo viên mầm non đóng bảo hiểm theo quy định.

Từ thực tế rà soát đội ngũ giáo viên mầm non trong diện thực hiện Nghị định 06/2018/NĐ-CP ở Vĩnh Phúc cho thấy những trở ngại như sau: Tại điểm a, khoản 1 Điều 8 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 quy định việc xếp lương đối với giáo viên mầm non hợp đồng: “... Nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) theo bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ...”, nhưng Nghị định số 06/2018/NĐ-CP không hướng dẫn việc xếp lương cho đội ngũ này khi đang hưởng từ lương theo trình độ đại học xuống trung cấp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ