Đưa giáo dục chính trị vào dạy TCCN

Đưa giáo dục chính trị vào dạy TCCN

(GD&TĐ)- Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BGDĐT về Chương trình môn học “Giáo dục chính trị” dùng trong đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/4/2012.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Môn học này sẽ thay thế cho môn học Chính trị đã được quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 về Chương trình khung TCCN.

Thời lượng môn học này là 75 tiết (trong đó: lý thuyết 55 tiết và bài tập, thảo luận 20 tiết), học vào kỳ học đầu tiên năm thứ nhất với hệ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT và  90 tiết (trong đó: lý thuyết 65 tiết và bài tập, thảo luận 25 tiết), học vào kỳ học đầu tiên năm thứ hai với hệ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS.

Riêng đối với hệ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, học sinh phải hoàn thành các môn văn hóa phổ thông mới có điều kiện học môn học Giáo dục chính trị.

Chương trình môn học Giáo dục chính trị được xây dựng dùng chung cho hai hệ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT và THCS. Cụ thể, kiến thức chung cho hai hệ tuyển: 75 tiết, gồm chương mở đầu về Nhập môn Giáo dục chính trị (2 tiết) và các chương về Chủ nghĩa Mác - Lênin (20 tiết); Tư tưởng Hồ Chí Minh (10 tiết); Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt nam (38 tiết); Tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người công dân tốt, người lao động tốt (5 tiết).  Kiến thức dành riêng cho hệ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS: 15 tiết, chương Bổ trợ kiến thức giáo dục công dân.

Môn học Giáo dục chính trị thay thế cho môn học Chính trị trong Chương trình khung đào tạo TCCN, là môn học chung bắt buộc, vì vậy môn học này áp dụng cho tất cả các hình thức đào tạo trình độ TCCN trong các trường TCCN và các cơ sở có đào tạo TCCN.

Chương trình môn học Giáo dục chính trị được thực hiện từ năm học 2012 - 2013. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, các trường, các cơ sở có đào tạo TCCN có thể tổ chức giảng dạy, tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh sao cho phù hợp với các quy định hiện hành về giáo dục TCCN song phải đảm bảo đáp ứng đúng mục tiêu và đủ nội dung chương trình môn học.
 

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ