Tính kế thừa cao
Là một nhà nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực GD, ông có suy nghĩ như thế nào về Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể do Bộ GD&ĐT công bố? Liệu Chương trình GDPT mới có kế thừa gì từ chương trình GDPT hiện hành hay không?
- Theo tôi, Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể lần này mang tính kế thừa rất lớn. Chương trình vẫn tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là GD con người toàn diện, giúp HS phát triển về “đức, trí, thể, mỹ”; quán triệt các phương châm GD nền tảng như “học đi đôi với hành”, “lý thuyết gắn liền với thực tiễn”, “nhà trường gắn liền với xã hội”. Nội dung GD tiếp tục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Số lớp cho ba cấp học không thay đổi: Tiểu học từ lớp 1 - 5, THCS từ lớp 6 - 9, THPT từ lớp 10 - 12. Phần lớn tên gọi các môn học vẫn giữ nguyên. Tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn lớn.
Kiến thức nền tảng cho các môn học trong Chương trình GDPT mới là những kiến thức tương đối ổn định, được kế thừa nhiều từ chương trình GD hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp HS phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.
Việc đổi mới phương pháp trong chương trình GDPT quán triệt hơn phương châm “lấy HS làm trung tâm” vốn được chú trọng trong thời gian gần đây nhưng hiện vẫn chưa được áp dụng thật sự đúng với tinh thần của nó. Tuy đổi mới phương pháp là một nội dung cốt lõi của đổi mới GD phổ thông lần này, nhưng không có nghĩa là tất cả các phương pháp giảng dạy truyền thống đều bị loại bỏ, mà được vận dụng linh hoạt để đạt được mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Theo Dự thảo Chương trình GDPT mới, các hình thức kiểm tra, đánh giá “truyền thống” như kiểm tra miệng và kiểm tra viết, kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ; các công cụ đánh giá như đề trắc nghiệm khách quan và đề tự luận… vẫn tiếp tục được sử dụng trong nhà trường, kết hợp với những hình thức và công cụ kiểm tra, đánh giá hiện đại hơn.
Những điểm mới đáng chú ý
Ông có thể chỉ rõ ra những điểm mới nào của Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể mà ông đánh giá cao?
- Trước hết, tuy số lớp cho ba cấp học không thay đổi, nhưng Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: 1) giai đoạn GD cơ bản từ lớp 1 - 9 và 2) giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 - 12. Ở giai đoạn GD cơ bản, tất cả HS sẽ được học một chương trình thống nhất, toàn diện, cân bằng và có tính tích hợp cao. Còn ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp thì HS được học những môn học và chuyên đề theo hình thức phân hóa, phù hợp với năng lực, mối quan tâm và định hướng nghề nghiệp của cá nhân các em. Như vậy, ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp thì HS có quyền tự do lựa chọn nội dung GD phù hợp với mình. Thay cho hình thức phân ban như hiện nay, hệ thống các môn học tự chọn sẽ giúp cho việc GD phân hóa ở THPT trở nên linh hoạt hơn, thuận lợi hơn cho HS, nhưng khó khăn hơn cho các cấp quản lí. Ngoài ra, Chương trình mới chú ý hơn đến tính kết nối, liên thông trong từng môn học và giữa các môn học, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp học.
Chương trình GDPT mới lấy việc giúp HS hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực quan yếu làm mục tiêu cơ bản thay cho mục tiêu cung cấp kiến thức vốn được đặt ở vị trí hàng đầu trong chương trình GDPT lâu nay. Kiến thức có vai trò rất quan trọng trong hoạt động dạy học và GD nói chung, nhưng xét cho cùng đó không phải là cứu cánh của GD. Kiến thức được đưa vào chương trình GD phải là công cụ để giúp HS hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết để các em có thể sống và làm việc trong suốt cuộc đời. Chương trình GDPT mới vừa chú trọng GD con người toàn diện (chủ yếu ở giai đoạn GD cơ bản), vừa tạo điều kiện cho HS được học theo định hướng cá nhân, hướng nghiệp (chủ yếu ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp).
Hình thức tổ chức GD đa dạng hơn. Các hoạt động GD không chỉ diễn ra ở trong lớp mà còn thông qua các hoạt động trải nghiệm bên ngoài lớp học. Phương pháp dạy học đổi mới theo hướng tăng cường hơn nữa sự tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong giờ học và chú trọng hơn nữa vai trò của giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động học tập của HS.
Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng thay đổi để phù hợp với mục tiêu GD hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Tinh thần chủ đạo là kiểm tra, đánh giá vì sự học, chứ không phải chỉ kiểm tra, đánh giá kết quả học. Việc kiểm tra, đánh giá phải cung cấp được những phản hồi có hiệu quả cho HS, giúp HS tham gia tích cực vào quá trình học của chính các em; giáo viên phải căn cứ vào kết quả đánh giá để điều chỉnh việc dạy học; HS cũng cần được tự đánh giá bản thân và hiểu được bằng cách nào để nâng cao kết quả học tập. Chú trọng đến hình thức đánh giá quá trình, đánh giá trong giờ học, chứ không chỉ tập trung đánh giá theo định kì. Như vậy, mục đích trước hết của kiểm tra, đánh giá là tạo sự phản hồi cho cả giáo viên và HS về sự tiến bộ của người học theo hướng đạt được các mục tiêu học tập; sau đó mới nhằm để phân loại, xếp hạng, xét lên lớp hay tốt nghiệp…
Cần vượt qua các thách thức
Ông kỳ vọng điều gì ở Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể lần này của Bộ GD&ĐT?
- Những điểm mới căn bản như tôi đã chia sẻ sẽ giúp GD Việt Nam hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta, những đổi mới đó sẽ đặt ra những thách thức rất lớn đối với Bộ GD&ĐT, các cấp quản lí ở địa phương, nhà trường và giáo viên trong phát triển chương trình, thiết kế kế hoạch dạy học và xây dựng cơ sở vật chất. Ngay cả các nước phát triển cũng gặp khó khăn khi đổi mới theo hướng đó, đặc biệt là trong việc thiết kế chương trình, biên soạn sách giáo khoa và dạy học theo hướng tích hợp và phân hóa; thiết kế chương trình, biên soạn sách giáo khoa và dạy học theo định hướng nghề nghiệp; dạy học và đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Nhưng vì những lợi ích to lớn đối với người học và xã hội mà không một quốc gia nào quay trở lại mô hình GD “một chương trình cho tất cả HS” hay dạy học và kiểm tra, đánh giá tập trung vào kiến thức của người học như trước đây.
Chương trình GDPT mới là con đường để khai phóng thế hệ trẻ, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào nhưng vẫn còn đang ở trạng thái tiềm năng của nước ta. Vì vậy, tôi tin là xã hội sẽ hiểu và chia sẻ với những khó khăn ban đầu của Bộ GD&ĐT, các cấp quản lí địa phương, nhà trường và giáo viên khi triển khai Chương trình mới.
Xin cám ơn ông!
Sẽ gọi tái ngũ hàng trăm tiêm kích MiG-31 trong kho dự trữ?
Thế giớiGD&TĐ - Các nguồn thông tin mở cho biết đến năm 2018, Nga có thể vẫn lưu giữ tới 130 tiêm kích MiG-31 trong các kho dự trữ.