Dù "màn hình phẳng", tôi vẫn tự tin nuôi con bằng sữa mẹ

Vài tiếng sau con về, bắt đầu thực hành bài cho con bú. Khó khăn nhất vẫn là việc ngồi lên khi vết khâu vốn phải may sống không thuốc tê để cho con đúng tư thế và đúng khớp.

Dù "màn hình phẳng", tôi vẫn tự tin nuôi con bằng sữa mẹ

Tôi đã lo lắng về “màn hình siêu phẳng” của mình, và những người chị họ có kết cấu cơ thể giống như tôi đã sinh con và đều nói với tôi rằng “nhỏ quá nên không có sữa”. Suốt cả thai kỳ "màn hình phẳng" vẫn không biến thành "màn hình cong" như tôi ao ước. Tôi tự ti vô cùng.

Tôi đã lo lắng, khi đọc những bài báo về giá sữa tăng từng ngày. Tôi choáng khi nhìn giá của mỗi hộp sữa ngoại được quảng cáo là mát, không gây táo bón có giá ngót ngét 1/10 tiền lương công chức của tôi mỗi tháng.

Đến một ngày, tôi nhìn thấy New Feeds một người bạn chia sẻ tin về sữa mẹ, một người bạn khác khoe hai bình sữa mẹ đầy ắp vừa hút xong. Tất cả tin đều từ một trang Hội sữa mẹ BetiButi

Tôi bắt đầu tò mò. Trong một ngày tôi đã cày hết bài ghim, càng đọc càng vỡ ra nhiều thứ. Thật may mắn khi ấy em bé trong bụng chỉ mới 5 tháng, tôi còn những 4 tháng nữa để củng cố kiến thức của mình. Tôi bắt đầu bớt tự ti.

38 tuần, một giọt sữa non rỉ ra từ "màn hình phẳng". Tôi mừng la toáng lên, thậm chí lấy máy ảnh ra chụp lại giọt vàng lung linh ấy làm kỷ niệm. Khi đó tôi không còn tự ti nữa.

Tôi tìm sự ủng hộ nơi chồng và gia đình. Những ngày cuối trước khi đi sinh, tôi in tài liệu ra, bôi màu đánh dấu những chỗ cần ghi nhớ, nhẩm đi nhẩm lại như một đứa trẻ con đang học thuộc lòng về những bài học về sữa khi mới sinh con như: phương pháp skin to skin, 72h vàng của sữa non hay quy tắc tai-vai-hông thẳng hàng khi cho con bú...

tramanh3-4817-1430990612.jpg

Bé Wiki và mẹ Trâm Anh.

Hành trang đi sinh không có bình sữa, không có hộp sữa bột, chỉ có hai ống xi lanh trống và vài chục ml sữa tươi của người bạn vừa sinh trước đó vài ngày. Ca sinh của mẹ con tôi khó, tim thai suy, huyết áp cao, dị ứng thuốc tê. 

Sau 4 hơi, tôi sinh thường trước khi phòng mổ chuẩn bị xong. Vừa kịp nhìn mặt con thì mọi người mang con thở oxy gấp, mẹ dọa băng huyết nằm đấy. Có nghĩa là cách ly, là không có phương pháp da tiếp da, không tự tìm ti. Bài tập đầu tiên đã không hoàn thành được.

Vài tiếng sau con về, bắt đầu thực hành tiếp bài cho con bú. Khó khăn nhất vẫn là việc ngồi lên vết khâu vốn phải may sống không thuốc tê để cho con đúng tư thế và đúng khớp. 

Thuộc bài là thế, nhưng sao ôm con trong tay vẫn lúng túng, ngượng ngùng. Vì sữa non còn quá ít nên hai mẹ con đánh vật với nhau trọn cả đêm. Nửa đêm ráng xuống phòng trực xin thuốc giảm đau chỉ mong có sức ngồi cho con bú nhưng không một ai dám cho thuốc.

Bà xót mẹ, xót cháu định xuống mua một hộp sữa nhưng mẹ vẫn kiên định, đau thì vài ngày sẽ hết, nhưng 72h vàng sữa non không thể lấy lại được. Gần như đêm đó mẹ thức trắng vì những cữ bú liên tục không theo giờ của con. Mẹ biết mình bế sai, con ngậm sai nhưng không biết làm sao sửa được. Qua ngày hôm sau đầu ti nứt toác ra đau đớn. 

May mắn thay có chị người quen đến, kiên nhẫn tập lại cho hai mẹ con, chèn gối thế nào, bế con ra sao, kéo cằm con xuống cho môi dưới trề ra. Con ti khỏe hơn, mẹ đỡ đau hơn, con ti xong hút ra được 40ml sữa non vàng óng ánh. Đến lúc này tôi có thể nói rằng: tôi tự tin nuôi con bằng sữa mẹ.

Tôi đã tặng gần 350 túi sữa cho các em bé khác. Một trong số các em bé ấy tôi đã được gặp, nhóc con hôm đấy ôm tôi bú một mạch đến khi ti nhão nhoét mềm xèo vẫn không chịu buông rời. Con trai tôi giờ đã được 9 tháng 15 ngày tuổi. Cũng là 9 tháng 15 ngày trọn vẹn yêu thương sữa mẹ.

Tôi không kịp hoàn thành bài tập đầu da tiếp da một giờ sau sinh, nhưng đã hoàn thành 72h vàng sữa non, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, ăn dặm khi 181 ngày tuổi. Và cho tới giờ tôi không có khái niệm “cai sữa” cho con.

Mẹ Trâm Anh

Theo ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ