Theo báo Guardian (Anh), dự luật này cũng có kế hoạch sẽ áp dụng với tất cả những người trưởng thành đã bị đưa tới những trung tâm tạm giữ di dân trên trên đảo Nauru và Manus từ ngày 19/7/2013.
Theo đó, những người trưởng thành đã từng di chuyển bằng thuyền tới Úc kể từ tháng 7/2013 nhưng đã trở về nhà, sẽ không bao giờ được cấp thị thực trở lại Úc, kể cả visa du lịch hay kết hôn.
Di dân người Sri Lanka bị lực lượng chức năng Indonesia ngăn chặn ở ngoài khơi phía tây đảo Sumatra khi tìm đường tới Úc. Ảnh: AFP.
Chính phủ của thủ tướng Turnbull dự kiến đưa dự luật này có hiệu lực lùi về từ ngày 19/7/2013 vì đó là thời điểm thủ tướng Kevin Rudd tuyên bố: "Cho tới hôm nay, những người tìm kiếm cơ hội di trú tới đây bằng thuyền mà không có visa sẽ không bao giờ được định cư tại Úc nữa".
Quy định cấm này sẽ không áp dụng với trẻ em.
Dự luật mới được thủ tướng Malcolm Turnbull công bố ngày 30-10 trong cuộc họp báo chung với bộ trưởng nhập cư Peter Dutton.
Theo ông Malcolm, sự thay đổi luật này là cần thiết để hỗ trợ các chính sách bảo vệ biên giới trọng yếu khác của chính phủ Úc.
Ông cũng cho rằng nó sẽ là thông điệp mạnh mẽ nhằm gửi tới những kẻ chuyên đưa người vượt biên trái phép tới Úc. Những kẻ này vẫn đang thuyết phục các di dân hiện đang ở trên đảo Nauru và Manus rằng rốt cuộc thì chính phủ Úc sẽ thay đổi chính sách để cho phép họ định cư tại quốc gia này.
Chính phủ Úc dự kiến chỉnh sửa luật nhập cư năm 1958 để đạt được mục tiêu đã nêu trong phiên họp Quốc hội tuần tới. Ông Turnbull cho biết ông hy vọng đảng Lao động sẽ ủng hộ dự luật.
Ông Turnbull bác bỏ đề xuất cho rằng lệnh cấm là biện pháp bất công với những người là người tị nạn cố tìm cách tới Úc bằng thuyền khi ngăn cản họ có được bất cứ loại thị thực nào về sau.
Dự luật vừa công bố của Thủ tướng Úc đã nhanh chóng hứng nhiều chỉ trích.
Theo báo New York Times, bà Madeline Gleeson, luật sư tại Trung tâm Kaldor vì Luật tị nạn quốc tế thuộc Đại học New South Wales, bình luận kiểu châm biếm: "Người tị nạn trên thế giới này vẫn cứ trở thành nhà lãnh đạo thế giới, tổng giám đốc của các công ty lớn, các bác sĩ, các nhà khoa học, luật sư. Những người đó sẽ không bao giờ có thể đến đây được nữa. Kể cả với vai trò du khách, hay tham dự một hội nghị y tế".
Chính quyền của ông Turnbull cần sự ủng hộ của đảng Lao động đối lập hoặc các nghị sĩ độc lập tại Thượng viện để thông qua dự luật. Đảng cầm quyền hiện nắm giữ một phần lớn một ghế trong Hạ viện.
Một số Thượng nghị sĩ độc lập, như nữ Thượng nghị sĩ Pauline Hanson, lãnh đạo Một Quốc gia cánh hữu, rất hoan nghênh đề xuất thay đổi luật di trú. Họ được cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 7 vừa qua cũng vì quan điểm chính liên quan vấn đề cấm người nhập cư.
Nhưng Thượng nghị sĩ Richard Di Natale, lãnh đạo đảng Xanh cánh tả, mô tả dự luật là "man rợ". Ông cho biết một số người tị nạn trên đảo Nauru và Manus đã có người thân đang định cư tại Úc nếu dự luật được thông qua thì họ sẽ không có cơ hội gặp lại người thân của mình nữa.
Đó là chính sách dã man. Đó là tàn nhẫn. Đó là đáng xấu hổ. Đó là thứ chính trị hoài nghi
Thượng nghị sĩ Richard Di Natale, lãnh đạo đảng Xanh cánh tả
Ông cáo buộc chính phủ của thủ tướng Turnbull thỏa hiệp với chương trình của các đảng cánh hữu cứng rắn và tuyên bố sẽ kêu gọi các nhà lập pháp độc lập ngăn chặn đề xuất.
Ông Bill Shorten, lãnh đạo của Đảng Lao động đối lập, cho biết đảng của ông sẽ cần phải xem xét kỹ dự luật khi có trong tay rồi mới quyết định xem có ủng hộ dự luật này không.
Ông cũng đưa ra bình luận: "Dự luật có vẻ vô lý chẳng hạn một người tị nạn sau đó định cư ở Mỹ hoặc Canada rồi trở thành công dân Mỹ hoặc Canada nhưng lại bị cấm đến Úc trong tư thế du khách, doanh nhân".
Thượng nghị sĩ Lisa Singh, thuộc đảng Lao động, cũng mô tả những đề xuất thay đổi luật về di trú như là tàn nhẫn.