Dư luận nói gì về điều chỉnh '3 báo giá' trong đấu thầu vật tư y tế?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quy định điều chỉnh “3 báo giá” trong đấu thầu vật tư y tế đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Nghị quyết mới do Chính phủ ban hành đang góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt vật tư y tế.
Nghị quyết mới do Chính phủ ban hành đang góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt vật tư y tế.

Thời gian qua, câu chuyện bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc vì bệnh viện không đấu thầu được thuốc đã diễn ra khá phổ biến.

Từ ngày 3 - 4/3, Chính phủ lần lượt ban hành hai văn bản quan trọng là Nghị định 07 và Nghị quyết 30 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực y tế, đảm bảo thuốc và trang thiết bị cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh.

Một điểm quan trọng đang được dư luận chú ý ở các văn bản này chính là điều chỉnh bất cập của quy định “3 báo giá” trong đấu thầu trang thiết bị y tế.

Căn cứ vào điều chỉnh mới, các gói thầu mua hóa chất, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc sử dụng trong trường hợp cấp bách đã được đơn giản hóa. Giờ đây, các đơn vị y tế chỉ cần tham khảo 1 báo giá thay vì phải đủ 3 báo giá từ các nhà cung cấp khác nhau.

Trên thực tế, các bệnh viện rất khó kiếm đủ ba nhà cung cấp với ba mức giá khác nhau làm cơ sở đối chiếu. Chưa kể đến một số vật tư y tế, hóa chất đặc biệt, số lượng đơn vị cung cấp chưa đếm hết trên đầu ngón tay.

Một nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiết lộ, Test PCR (phương pháp xét nghiệm chẩn đoán Covid-19) thường có chi phí cao, khó kiếm đơn vị đảm nhận. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thốn hóa chất do những bất cập của quy định đấu thầu cũng như nhu cầu lên xuống từ thị trường khiến nhiều bệnh viện dễ lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. “Tìm nguồn cung phù hợp đã khó, đảm bảo nguồn cầu càng chẳng dễ dàng”, nhân viên này đánh giá.

Một chuyên viên khác làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết, tình trạng thiếu hụt vật tư y tế, dụng cụ kém chất lượng đặc biệt phổ biến ở các đơn vị cần tiến hành giải phẫu, mổ nội soi, khớp gối, đặt van tim.

Trong trường hợp này, bệnh nhân thường phải đợi lịch rất lâu hoặc chấp nhận sử dụng vật tư chất lượng không thật sự đảm bảo. Nếu người bệnh được chỉ định phẫu thuật BHYT, thời gian chờ đợi có thể phải kéo dài hơn. Riêng trường hợp mổ dịch vụ, người bệnh dễ được “ưu tiên” hơn nhờ trang thiết bị, vật tư y tế có sẵn từ phía mở dịch vụ. Với quy định sửa đổi mới, chuyên viên này tin rằng tình trạng khó đấu thầu thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế hay giá cả leo thang sẽ sớm được giải quyết.

Dư luận tin rằng chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được nâng cao trong thời gian tới.

Dư luận tin rằng chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được nâng cao trong thời gian tới.

Nhiều lãnh đạo bệnh viện ở TPHCM cũng nhận định, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã góp phần giải quyết những vướng mắc mà nhiều bệnh viện đang phải đối mặt.

Theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bệnh viện rất mừng vì Nghị quyết số 30 mới ban hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Theo nội dung của Nghị quyết 30, khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế thì không cần 3 báo giá, đặc biệt đối với những trang thiết bị được bảo trì cũng được thông qua.

“Trong đấu thầu, đơn vị nào làm sai về quy định đấu thầu, có lợi ích nhóm, thậm chí tham nhũng thì được xử lý là hoàn toàn đúng, còn đâu nên xem xét thực tế để các bệnh viện tuân thủ đúng quy định pháp luật được làm”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM không thiếu thuốc nhưng lại lo ngại về vấn đề vật tư tiêu hao. Chẳng hạn như hiện nay, dao trong phẫu thuật đã hết hạn đăng ký, nếu không giải quyết kịp thời bệnh viện không có dao siêu âm để phục vụ trong phẫu thuật. Đặc biệt là việc phẫu thuật ung thư tuyến giáp, ung thư vú, nếu dao tốt sẽ giúp bệnh nhân mổ an toàn và giảm thời gian điều trị. Nghị quyết mới ban hành sẽ giải quyết được vấn đề này.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, một trong những điểm mới mà bác sĩ “tâm đắc” nhất chính là không cần phải tham khảo “3 báo giá” của các nhà cung cấp khác nhau. Hiện nay, bệnh viện có thể nhập hàng dễ dàng hơn nhờ giấy phép gia hạn tự động.

“Chẳng hạn như những vật liệu trong hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo) nằm ở cảng lâu nay không nhập được trong khi bệnh viện lại thiếu hụt. Với điều chỉnh mới này, chỉ khoảng 10 ngày, đơn vị sẽ có hàng trở lại”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Với quan điểm tương tự, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng cho hay, ngoài việc không cần tham khảo 3 báo giá của các nhà cung cấp, những cập nhật và sửa đổi cũng đồng thời bỏ thời hạn thanh toán bảo hiểm y tế với máy mượn, máy đặt. Nghị quyết không chỉ đáp ứng đề xuất yêu cầu từ các bệnh viện mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Tuy nhiên, bác sĩ Khanh nhận định, những điểm mới của Nghị quyết còn mang tính bao quát, cần thay đổi, bổ sung một số nội dung như đấu thầu thuốc qua mạng, hướng dẫn sử dụng thuốc đông y, thuốc y học cổ truyền,... Hiện, bác sĩ đã chỉ đạo các phòng chức năng của bệnh viện rà soát lại những điểm vướng mắc và gửi kiến nghị đến Sở Y tế TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ