Du lịch kiểu rước cực vào thân

GD&TĐ - Tự túc hành trình khám phá điểm đến mới lạ là một xu hướng được nhiều du khách ưa thích. 

Du khách ngồi đò độc mộc để vào đảo, hoặc rời đảo ra thuyền gỗ.
Du khách ngồi đò độc mộc để vào đảo, hoặc rời đảo ra thuyền gỗ.

Không theo tour, khách du lịch tự dịch chuyển bằng các phương tiện khác nhau (máy bay, ô tô, tàu thủy, xe máy...) đến địa điểm muốn khám phá, rồi tự đặt nơi ăn, chốn ở, thậm chí là tự thuê xe máy, thuyền chài... để khám phá cảnh quan.

Người dân ở nhiều điểm đến du lịch cũng nhanh chóng bắt nhịp nhu cầu, tìm mọi cách để mở dịch vụ đón khách...

Tập tọe “phượt…

Càng những địa điểm hoang sơ, hay dịch vụ chưa phát triển thì những người đi du lịch tự túc lại càng thích tìm đến. Loạt đảo nhỏ ở vùng biển Kiên Giang mấy năm gần đây đang hút khách.

Từ TP Hồ Chí Minh có thể bắt xe khách (xe đò) của hàng loạt hãng vận tải, để đến bến tàu ở Rạch Giá - nơi có nhiều tàu chở khách ra Hòn Củ Tron (đảo lớn nhất trong quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang).

Tới Rạch Giá tờ mờ sáng, tại bến phà, chúng tôi dễ dàng mua vé tàu ra đảo. Trước làn sóng du lịch tự túc đến các đảo, một số đội tàu lớn được đầu tư bài bản.

Đội tàu hoành tráng nhất là của hãng Phú Quốc Express. Đội phó Chiến của tàu Express mặc áo đồng phục trắng (đeo biển hiệu tên và chức vụ đàng hoàng) cho chúng tôi biết: “Bất kể mùa nào trong năm cũng đông du khách tới đây. Thời tiết biển Kiên Giang không có mùa lạnh như miền Bắc. Khách du lịch từ Bắc vào du lịch cả hè và đông. Từ năm ngoái đến năm nay khách đổ đến các đảo khu vực này đông đột biến. Chủ yếu họ đi du lịch tự túc”.

Các hãng tàu ra đảo chuyên nghiệp từ việc cho khách “book” vé qua điện thoại, đến mua vé trên website. Tuy nhiên, chỉ phương tiện từ đất liền ra đảo là thuận tiện và chuyên nghiệp. Còn hành trình khám phá phía trước khiến những người lần đầu phượt tự túc như chúng tôi chưa hình dung hết.

Cầu tàu tự chế của một nhà nghỉ trở thành điểm đón du khách đi thuyền khám phá đảo.
  • Cầu tàu tự chế của một nhà nghỉ trở thành điểm đón du khách đi thuyền khám phá đảo.

Hòn Củ Tron (xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) không có khách sạn. Dù là đảo lớn nhất trong quần đảo ở khu vực này, nhưng Củ Tron chỉ có nhà nghỉ của dân sống trên đảo phục vụ khách đi du lịch tự túc, hoặc khách theo đoàn nhỏ.

Lê ba lô khắp mấy nhà nghỉ ở ngay bến tàu, chúng tôi được người dân mời ở trọ với giá 100.000 đồng/người hoặc phòng ở 2 - 3 người có giá từ 200.000 đồng.

“Đầy đủ cả điện, nước, quạt, điều hòa, không bao gồm ăn sáng”- nhân viên nhà nghỉ H.G giới thiệu với chúng tôi - “Nhà em có phòng tốt nhất trên đảo đấy! Phòng lớn nhất cho 2- 3 người chỉ 500.000 đồng một đêm thôi. Không phải cao điểm mùa hè nên mới có giá đấy, chứ hè em phải bán giá 700.000 đồng mà cũng không có phòng để chọn”.

Một chị bán nước mía và tạp hóa ngay trạm biên phòng lại đon đả giới thiệu: “Các cô chú muốn ở gần trung tâm, tiện đi lại thì thuê ngay nhà nghỉ ở bến tàu. Nhiều hàng quán bán đêm, ăn hải sản có đủ thứ. Nếu thích yên tĩnh thì men theo bờ, chạy xe ôm chừng 2km ra mấy cái “hôm sờ tay” (homestay) biệt lập, cảnh đẹp, tha hồ chụp ảnh…

Ở bến thuyền thì phòng 150.000 đồng cũng có, có phòng điều hòa, quạt mát. Chứ ở “hôm sờ tay” phải 500.000 đồng một đêm mà không có điều hòa đâu nhé, điện hạn chế, được cái cũng không nóng, ngay mặt biển gió biển mát mà”.

Lạ nước lạ cái, lần đầu đi phượt, chúng tôi quyết định hạ ba lô vào một nhà nghỉ có vẻ “to đẹp” cao vài tầng ở bến tàu. Bà chủ nhà nghỉ N.N không mời chào khách như những nơi du lịch phát triển khác, bà cho cô bé nhân viên dẫn chúng tôi vào tận phòng 500.000 một đêm cho 3 khách để giới thiệu.

“Nhà tắm dùng được, còn cái tủ trong phòng là tủ đựng quần áo của nhà chủ, các cô chú không được dùng nhé! Đồ đạc tự bảo quản. Thuê xe máy có xăng sẵn 100.000 đồng một ngày”- cô bé nhân viên báo rõ ràng với khách.

Du lịch kiểu rước cực vào thân ảnh 2
  • Du khách thất thểu đợi thuyền gỗ chở đi khám phá đảo.

Cũng giống tất cả các nhà nghỉ trên quần đảo này, nhà nghỉ N.N do tư nhân đầu tư. Giá cả và dịch vụ cũng được cung cấp theo nhu cầu của khách, thậm chí theo “hứng” của chủ nhà, “trông mặt khách” tính tiền.

Căn nhà cho khách thuê là căn thứ 2 mà chủ nhà này kinh doanh trên đảo. Nhà xây mới kiểu hiện đại, sau này chúng tôi được biết mọi nội thất được con chủ nhà ở TP Hồ Chí Minh tự mua và chuyển ra đảo để lắp đặt, nên cũng tương đối, đúng kiểu nhà nghỉ.

Từ phía trong cửa kính lắp tràn mặt trước căn phòng view biển (“đắt” tiền thuê nhất nhà nghỉ dành cho 3 khách) nhìn thẳng ra bến tàu, có thể thấy tàu đánh cá của ngư dân đậu kín mặt biển, theo giờ nhất định tàu du lịch đưa du khách từ đất liền đến rồi lại đón khách đi.

Xác định các “review” trên mạng đã cho kinh nghiệm, đi du lịch tự túc đến các đảo như thế này thì đừng mong có chuyến đi tiện nghi. Dịch vụ du lịch trên đảo hoàn toàn do người dân tự phát.

Chị Đ.T.Trà (ở Lê Duẩn, Hà Nội - người ít nhất 5 lần đến đảo này) chỉ cho chúng tôi cách đi thăm quan quần đảo tự túc. Theo chị Trà, bất kỳ một nhà nghỉ nào cũng có thể dẫn khách tới dịch vụ thuyền thăm quan các đảo nhỏ hơn gần đó. Giá chung khoảng 100 ngàn/khách/nửa ngày, bao gồm đưa đón bằng thuyền gỗ, lặn ngắm san hô và thưởng thức cháo nhum tự bắt…

Thấy giá khá rẻ với từng ấy dịch vụ, chúng tôi đã đặt bà chủ nhà nghỉ N.N. Gọi là đặt “tour” cho oách, chứ chị Trà đã cảnh báo trước, giá ấy chỉ là tiền đi chung thuyền với các khách khác đến điểm thăm quan.

Du lịch kiểu rước cực vào thân ảnh 3
  • Cảnh nhếch nhác ở “bến tàu” tự phát.

Ra biển, lặn ngắm san hô kiểu… liều mạng

Đúng 12 giờ, theo ông chủ nhà nghỉ N.N đèo 2 khách một lượt trên chiếc xe máy của gia đình (ở trên đảo không có công an giao thông, người dân cũng chẳng sợ bị phạt vì 3 người lớn đi chung một xe máy).

Len lỏi qua chợ tạm cuối bến tàu, men theo con đường vào một ngõ nhỏ, chỉ một lúc xe máy dừng lại trước một nhà nghỉ khác, ông chủ nhà nghỉ N.N chỉ khách đi thẳng vào bên trong nhà nghỉ, lối đi nhỏ hẹp (ngang chỉ chừng 1m1) ẩm thấp… bên trong nhà nghỉ dưới mức bình dân này chính là lối ra thuyền đi thăm quan.

Khi thuyền cập tới, ông chủ nhà nghỉ N.N nói số khách của mình với người trên thuyền, rồi không dặn dò gì chúng tôi và bỏ đi.

Chiếc thuyền gỗ đón chúng tôi thoạt trông giống một tàu đánh cá nhỏ, có hai tầng, có lẽ được dân chài chuyển đổi công năng để phục vụ du khách. Gần 20 du khách trèo từ cầu tàu riêng của nhà nghỉ lên thuyền gỗ, chỉ riêng lối lên thuyền phải túm dây, tóm cọc gỗ, sểnh tay có thể rơi tõm xuống biển, cũng khiến khách đi lần đầu không khỏi e ngại.

Các du khách chuẩn bị lênh đênh ra biển đi thăm quan mà không một ai được trang bị áo phao.
Các du khách chuẩn bị lênh đênh ra biển đi thăm quan 
mà không một ai được trang bị áo phao.

Trên thuyền có sẵn ghế băng gỗ và vài chiếc ghế gấp ọp ẹp cho khách ngồi, tuyệt nhiên không ai được phát áo phao. Một nam du khách cẩn thận chỉ vào chiếc áo phao duy nhất treo trên thuyền, đề nghị có thêm áo phao cho phụ nữ và trẻ nhỏ, nhưng bị từ chối thẳng.

Ra vẻ chủ nhà thuyền là người đàn ông da đen sạm nắng gió, chừng ngoài 40 tuổi, nói với khách vài lời chẳng có chút gì chuyên nghề du lịch: “Không cần dùng áo phao đâu. Mọi người sẽ đi lặn ngắm san hô trước, thăm quan đảo sau, vì sợ chiều quay về biển sóng to không lặn được”.

Không một lời giới thiệu và hướng dẫn về “tour”. Quả đúng như chị Trà kinh qua từ trước thì chẳng qua đây là một thuyền đưa đón khách ghép đi thăm quan.

Lỡ đã lên thuyền rồi, phải chịu theo những con sóng chồm lên chồm xuống vào ngày biển hơi động. Bắt đầu cảm thấy liều lĩnh và say sóng, cũng là lúc nhà thuyền thông báo đã tới điểm lặn ngắm san hô.

Lúc này, xuống tầng dưới của thuyền, khách mới được nhà thuyền cấp áo phao. Những chiếc áo cứu sinh hóa ra trước đó cất rất kỹ trong thùng gỗ ở tầng 1 của thuyền. Lặng người nghĩ, nhỡ dại thuyền bị làm sao, chưa áo phao ra cho khách mặc chắc tất cả đã chìm xuống biển. Người làm dịch vụ thuyền đã liều, du khách (kể cả chúng tôi) cũng liều và không biết tự bảo vệ tính mạng.

Dịch vụ lặn ngắm san hô đã trở nên quen thuộc ở nhiều vùng biển của Việt Nam, như: Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Hạ Long, Cát Bà… Trừ hiếm hoi dịch vụ quy mô ở Nha Trang, còn lại phần lớn vẫn lặn biển ngắm san hô kiểu thô sơ, tự phát. Chuyến lặn biển của chúng tôi được nhà thuyền chỉ định ở khu vực Hòn Sơn, một trong những đảo có 2 bãi san hô đẹp nhất trong vùng biển này.

Mỗi du khách được nhà thuyền cho mượn 1 áo phao, kính, ống thở. Tất cả đều thô sơ nhất, cũng không có một ai hướng dẫn du khách cách lặn và ngắm san hô như thế nào. Mấy thuyền gỗ cùng thả khách xuống một góc cách bờ khoảng hơn 100 m. Khách tự bơi đi tìm ngắm san hô.

Rồi chuyện tự do khám phá không ai quản, không ai hướng dẫn, khiến ít nhất 3 du khách đi cùng thuyền chúng tôi không xác định được vị trí nước nông có san hô, đã giẫm đạp phải san hô sắc nhọn, bị cứa rách chân chảy máu, phải quay trở lại thuyền, tự dùng chai nước lọc mang theo rửa tạm vết thương và cầm máu. Nhà thuyền có vẻ như coi những sự cố như thế của du khách là bình thường. Nên cũng không mảy may thăm hỏi.

Cuộc lặn ngắm san hô không hấp dẫn như các review trên mạng giới thiệu. Vì chỉ khoảng 30 phút sau nhà thuyền đã giục khách rời bãi san hô để đến điểm thăm quan chính Bãi Cây Dừa Nằm.

Chị Trà cũng như các review trên mạng đã tả cho chúng tôi thấy Bãi Cây Dừa Nằm ở Hòn Sơn là bãi biển rất đẹp trong quần đảo. Thuyền cập bến, du khách theo nhà thuyền đến khu lều võng đã chọn sẵn, để khách tự do ăn uống, tự lo trả tiền dịch vụ và tắm biển trong khoảng hơn 1 tiếng.

“Chiều nay phải quay về Hòn Củ Tron sớm tránh sóng lớn. Mọi người nhớ đúng 4 giờ 30 thuyền sẽ rời Hòn Sơn”- nhà thuyền thông báo với nhóm khách đi du lịch tự túc đang ngơ ngác vừa đặt chân lên đảo lạ.

Gần một tiếng sau khi nhóm du khách loanh quanh chụp ảnh “sống ảo” trên bờ biển, món cháo nhum miễn phí được nhà chòi dọn ra. Đó chính là mấy con nhum mà những người dân chài chuyển nghề dẫn khách du lịch trên thuyền bắt vội trong lúc khách lặn ngắm san hô.

Đã ăn cháo hải sản, hay cụ thể là cháo nhum nhiều lần, ở nhiều nơi, nhưng cả nhóm khách gần 20 người đều nhìn nhau lắc đầu trước món cháo nấu vội, hạt gạo còn sượng, nhum như thể “bơi” qua nước cháo loãng.

Ở Bãi Cây Dừa Nằm, cả dãy dài nhà hàng chủ yếu bán mấy món ăn đơn giản như xúc xích, ốc luộc, mực nướng, tôm hấp... Dịch vụ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cung cấp của những người dân sống trên đảo thuê ki- ốt ngoài mặt biển.

Người kinh doanh ở đây chia sẻ, nước ngọt không còn quá thiếu, nhưng là thứ quý trên đảo, nên cũng không sài lãng phí được, đương nhiên tắm tráng nước ngọt là phải trả tiền, dù khách có dùng dịch vụ ăn uống của nhà chòi.

Bãi Cây Dừa Nằm chỉ có dịch vụ đơn giản nhất cho du khách vui chơi trong ngày. Cuối giờ chiều các du khách lũ lượt rời bãi để lên thuyền trở về nhà nghỉ đã thuê sẵn tập trung trên Hòn Củ Tron.

Anh Hùng (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) thở dài: “Cảnh đẹp còn hoang sơ. Tiềm năng du lịch lớn. Nhưng dịch vụ thì tệ quá, mạnh ai nấy làm dịch vụ thế này, chẳng mấy mà cả quần đảo nhếch nhác. Ngay những chỗ cảnh nổi bật ở bãi Mến, hay Bãi Cây Dừa Nằm… nhiều khách thích tìm đến chụp ảnh “sống ảo”, rồi cứ để dịch vụ tự phát thế này, chẳng mấy nữa còn đẹp vi diệu như trên mạng khen ngợi?”.

Rời Hòn Sơn, nhóm du khách phải lên một đò độc mộc để được “tăng bo” ra tàu gỗ. Nhà thuyền nói: “Sóng to thuyền không vào gần bờ được, mỗi người trả cho người chèo đò 10 ngàn, để họ đưa ra thuyền”.

Biển động nhẹ, báo hiệu sắp bão, lượt thuyền về Hòn Củ Tron đủ để những khách dễ say sóng xanh mặt. Tất nhiên, áo phao lại được cất kỹ trong thùng gỗ trên thuyền, du khách nào cũng nản, chẳng thấy ai hỏi đến áo phao nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.