Dự kiến khởi động tuyến đường sắt đô thị vào tháng 2/2012

Dự kiến khởi động tuyến đường sắt đô thị vào tháng 2/2012

(GD&TD)-Chiều 3/8, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình tổ chức công bố và bàn giao Hồ sơ chỉ giới đường đỏ và ranh giới Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội), tỷ lệ 1/500.

ff
Mô hình tuyến đường sắt đô thi (ảnh MH)

Theo Quy hoạch Dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội phần đi nổi có 8 ga gồm ga số 1 (còn gọi là khu Depot) đặt tại Nhổn; Ga số 2 có vị trí tại xã Minh Khai; Ga số 3 tại Phú Diễn; Ga số 4 tại Cầu Diễn; Ga số 5 tại phố Lê Đức Thọ; Ga số 6 tại Đại học quốc gia; Ga số 7 tại chùa Hà; Ga số 8 tại Cầu Giấy.

Theo đó, chỉ giới đường đỏ: khu depot và đường vào depot (từ điểm giao của đường 70 với đường quy hoạch phía tây bắc khu depot, qua điểm 1 đến điểm 2); đường 32: đoạn từ Nhổn đến cầu vượt đường sắt hiện có (từ điểm 2 đến điểm 3); đoạn từ cầu vượt đường sắt đến nút Mai Dịch (từ điểm 3 đến điểm 4); Chỉ giới đoạn từ nút Mai Dịch đến Cầu Giấy (từ điểm 4 đến điểm 5); đoạn từ Cầu Giấy đến Công viên Thủ Lệ (từ điểm 5 đến điểm 6) đều được xác định phù hợp Chỉ giới đường đỏ đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

Về ranh giới của Dự án tuyến đường sắt đô thị, Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận ranh giới Dự án do tư vấn Systra đề xuất. Cụ thể, đối với đoạn tuyến đường sắt đô thị đi nổi trên cầu cạn từ Nhổn đến Cầu Giấy được bố trí lồng ghép trong thành phần đường đô thị có ranh giới được xác định cơ bản nằm trong phạm vi chỉ giới đường đỏ của các tuyến đường đô thị.

Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km với 9,6km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm.

Vận tốc thiết kế là 80 km/h, tàu có chiều dài từ 19 - 20 mét.

Lộ trình tuyến này như sau: ga đường sắt tại Nhổn (ngã tư đường 70 và QL32), tàu điện sẽ đi theo QL32 đến nội thành Hà Nội, qua các đường phố Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đoạn trước cửa ga, cuối đường Trần Hưng Đạo).

Trong đó bao gồm 4 ga kết nối trung chuyển với tuyến đường sắt nội đô tại bến số 11 (KS Daewoo), với hệ thống xe buýt nhanh BRT tại bến 13 (Giảng Võ) và với hệ thống xe buýt tại bến số 10 (Cầu Giấy và bến 15 (Ga Hà Nội).

Ngay sau khi công bố quy hoạch này, Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ phối hợp với UBND các quận giới thiệu dự án, cắm mốc giới tại hiện trường và tiến hành giải phóng mặt bằng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu phần tuyến đường sắt đô thị đi ngầm để tiếp tục thực hiện dự án.

Dự kiến sẽ khởi động tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội) vào tháng 2/2012.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến giai đoạn 2015 -2020 đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị, đáp ứng 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.