Du học sinh Lào vui học trên đất xứ Thanh

GD&TĐ - Mỗi năm, Thanh Hoá đón hàng trăm du học sinh Lào về học tập, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn. Đồng thời, hun đúc và củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.

Trường Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch Thanh Hoá tổ chức Tết cho sinh viên Lào.
Trường Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch Thanh Hoá tổ chức Tết cho sinh viên Lào.

“Việt Nam là quê hương thứ 2 của chúng tôi”

Rời xa gia đình, mang theo bao ước mơ và hoài bão đến đất nước Việt Nam, thế nhưng những năm đầu tiên, nhiều du học sinh Lào gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, thầy cô giáo Việt Nam khiến hầu hết sinh viên Lào nhanh chóng hòa nhập và có kết quả học tập tốt.

Gặp So Ne Xay, sinh viên năm 3, lớp Cao đẳng Dược, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi sự tự tin và khả năng nói tiếng Việt của Xay. Xay cho biết, khi mới sang học, bản thân em cũng như nhiều bạn sinh viên Lào gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ và phong tục tập quán. Sau 2 năm học tập, giờ đây, Xay đã thành thạo tiếng Việt và bắt kịp chương trình học tập.

“Học tiếng Việt giao tiếp không quá khó, thế nhưng học từ ngữ chuyên ngành thì lại có nhiều khó khăn hơn. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô cũng như các bạn, em dần dần bắt nhịp và bây giờ thấy mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều”, Xay chia sẻ.

Xay cũng bộc bạch: “Những ngày lễ Tết, dù ở xa gia đình nhưng nhà trường tổ chức những hoạt động giống như ở đất nước mình để chúng em không có cảm giác xa nhà. Không chỉ riêng em, nhiều sinh viên cũng thấy ấm lòng và coi đây như là ngôi nhà và quê hương thứ 2 của mình”.

Cũng như So Ne Xay, sinh viên Oec Vông Khăm Xay, lớp Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cũng gặp những khó khăn tương tự khi đặt chân đến Thanh Hoá - nơi có ngôi trường em theo học. Thế nhưng, giờ đây, Oec Vông Khăm Xay lại mong muốn sau khi học xong vẫn sẽ tiếp tục ở lại Thanh Hoá làm việc nếu như có cơ hội.

Nhiều du học sinh Lào sau khi đến học tập tại Thanh Hoá đã xem đây là quê hương thứ 2 của mình.

Nhiều du học sinh Lào sau khi đến học tập tại Thanh Hoá đã xem đây là quê hương thứ 2 của mình.

“Con người Thanh Hoá thân thiện, ẩm thực cũng rất thú vị. Sau 2 năm học tập ở đây, giúp tôi hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam cũng như mảnh đất Thanh Hóa nói riêng, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Thanh Hóa có rất nhiều điểm du lịch đẹp, nổi tiếng. Các bạn sinh viên Việt Nam hiếu học và tốt bụng, gần gũi, chan hòa, luôn tận tình, giúp đỡ những lưu học sinh như chúng tôi trong cuộc sống cũng như học tập”, Oec Vông Khăm Xay chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho biết, trong quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên dành những suất học bổng khuyến khích sinh viên có thành tích học tập; hỗ trợ các em tối đa ăn, ở và các điều kiện học tập để các em cảm thấy nơi đây như gia đình của mình, có động lực học tập thật tốt để trở về phục vụ quê hương, đất nước.

“Hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục, tuyên truyền giúp cho học sinh của cả 2 nước hiểu biết thêm về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào như, Tết Bunpimay, Tết Nguyên đán Việt Nam; các hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh Lào; các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa Việt - Lào, thi thể thao, văn nghệ; câu lạc bộ tiếng Việt.

Bên cạnh đó, tổ chức cho các lưu học sinh Lào được đi tham quan học tập, trải nghiệm tại các di tích lịch sử cách mạng, di tích và lễ hội văn hóa, danh lam, thắng cảnh….”, bà Lê cho biết thêm.

Hợp tác đào tạo nhân lực

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào từ năm 2015, đến nay, Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã tiếp nhận đào tạo hơn 300 học sinh, sinh viên các tỉnh của nước bạn Lào. Hình thức đào tạo như: Thạc sĩ, liên thông Đại học; Đại học chính quy…

Tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá, hiện có hơn 300 sinh viên Lào đang học tập tại Trường ở 7/8 chuyên ngành bậc Cao đẳng và 2/4 chuyên ngành bậc Trung cấp.

Những năm qua, để thu hút sinh viên Lào sang học tập tại trường, hằng năm nhà trường đều có chương trình sang thăm và làm việc với các tỉnh của Lào.

Gần đây nhất từ ngày 23/5/2022 đến 29/5/2022, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã cử Đoàn sang thăm và làm việc tại 5 tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào gồm Hủa phăn, Xiengkhoang, Bolykhamsay, Khăm muộn, Savannakhet. Qua đó thu hút sinh viên sang học tập tại trường bằng những cơ chế, chính sách ưu tiên dành riêng cho sinh viên Lào.

Thạc sỹ Hoàng Linh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu học sinh và cán bộ Lào đang theo học; đặc biệt đảm bảo các chế độ chính sách của Nhà nước và tỉnh quy định; tiếp tục giữ mối liên hệ, thúc đẩy công tác tuyển sinh Lào, tiếp nhận các lưu học sinh Lào theo tình hình thực tế”.

Đoàn cán bộ quản lý Sở GD&ĐT tỉnh Huả Phăn - Lào sang thăm và làm việc tại Trường ĐH Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá.

Đoàn cán bộ quản lý Sở GD&ĐT tỉnh Huả Phăn - Lào sang thăm và làm việc tại Trường ĐH Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá.

Lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 506 sinh viên Lào đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng; trong đó có 192 sinh viên thuộc diện được tỉnh cấp học bổng và 314 sinh viên thuộc diện tự túc.

Có thể nói, sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thanh Hoá với các tỉnh của nước bạn Lào trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Lào, đồng thời vun đắp mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị giữa hai nước Việt – Lào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.