(GD&TĐ) - Đảng, Nhà nước ta coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, trong đó rất quan tâm đến việc đưa người có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài. Du học không phải vấn đề mới mẻ và hình thức được học bổng toàn phần cũng không phải bây giờ mới có. Hãy cùng nhìn nhận vấn đề.
1. Lui lại trước đây một thế kỉ. Đầu thế kỷ XX, không chấp nhận ách thống trị của thực dân Pháp, năm 1903, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã lặn lội vào Nam ra Bắc (quê ông ở Nghệ An) liên hệ với những sĩ phu cùng chí hướng để thành lập một tổ chức cách mạng, mang tên Duy tân hội. Từ đó, cụ Phan cùng các đồng chí của mình mở ra phong trào Đông du (đi sang phía Đông), tuyển chọn du học sinh theo tiêu chuẩn là những thanh niên hiếu học, thông minh, chịu đựng gian khổ, quen khó nhọc, quyết chí bền gan, không bao giờ thay đổi chí hướng, sang Nhật để học tập những điều mới.
Phong trào dẫu chỉ tồn tại gần 4 năm (1905 - 1908) nhưng đã kịp khắc ghi một dấu ấn đậm nét trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Người ta vẫn còn nhớ, chuyến Đông du đầu tiên (tháng 10 năm 1905), cụ Phan đã đưa 3 thanh niên là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điển, Lê Khiết bí mật vượt qua vòng lưới mật thám Pháp để sang Nhật học hỏi. Đoàn tiếp theo cũng chỉ có 5 người, trong số đó có hai anh em Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh là con cụ Lương Văn Can - Hiệu trưởng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội. Đáng nể nhất là vào năm 1908, cụ Phan đã đưa khoảng 200 lưu học sinh của Việt Nam sang Nhật học tập (tại trường Chấn Võ và Đồng Văn thư viện).
Du học phải nhằm tiếp thu tri thức mới để phát triển đất nước |
Cho dù tồn tại không lâu, nhất là trong bối cảnh đất nước nô lệ, nhưng phong trào Đông du đã là một hành động có tính “đột phá”, mở cửa hướng ra ngoài để học hỏi, tiếp nhận những cái mới có lợi và cần thiết cho đất nước. Có thể lúc đầu, mục đích của những người du học sang Nhật là “cầu viện”, nhưng sau đã trở thành “cầu học”, làm cho dân trí sáng lên, thông qua việc tiếp thu những tri thức mới, hiện đại của nhân loại từ “đất nước Mặt trời mọc”.
2. Từ khi nước nhà độc lập, dân ta tự do, Đảng, Nhà nước ta coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, trong đó rất quan tâm đến việc đưa người có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian nan và hy sinh mất mát, chúng ta vẫn đưa rất nhiều thanh niên có năng lực đi đào tạo ở các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa.
Thời bấy giờ, thông qua các hiệp định hợp tác hữu nghị, không ít người đã được học trong những ngôi trường nổi tiếng bậc nhất của Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Rumani... Cho tới tận bây giờ, dù nhiều vị tuổi đã cao nhưng vẫn có những cống hiến lớn lao cho đất nước, trên các cương vị hoạt động khác nhau: nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quân sự, nhà giáo. Điều đó không chỉ khẳng định đường lối đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, Nhà nước ta, mà thực tiễn cho thấy, đào tạo hạt nhân nòng cốt ở nước ngoài là cần thiết và hiệu quả.
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ |
Sau này, cho dù ngân sách nước nhà còn hạn hẹp, nhưng chúng ta vẫn đưa người đi học tại những nước tiên tiến, học những gì chúng ta đang cần, đang thiếu. Một số chuyên gia đầu ngành (ngân hàng, tài chính...) đang nắm giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng từng du học tại Oxford, Cambridge... Những Đại học nổi tiếng của Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ hiện vẫn có không ít cán bộ được cử đi học, với mục đích nâng cao năng lực, trang bị tư duy mới để phục vụ nhân dân, đất nước.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không chỉ nhờ nguồn ngân sách Nhà nước người ta mới du học được. Nhiều năm qua, việc du học tự túc diễn ra khá sôi nổi, nhất là với các gia đình sinh sống tại các đô thị lớn, có điều kiện về kinh tế để lo cho con ăn học. Để có lượng lớn du học sinh theo con đường đi học tự túc, cùng với độ mở của cơ chế còn có sự góp công lớn của các công ty tư vấn du học. Cho dù là “làm ăn kiếm lời” nhưng họ đã đưa được cả vạn thanh niên Việt Nam đến với rất nhiều quốc gia trên thế giới, để học tập chuẩn bị hành trang vào đời.
Còn một cách du học nữa, dành cho những học sinh năng động, đó là việc tìm kiếm học bổng trên mạng. Đã có khá nhiều học sinh bằng cách này mà ra nước ngoài học được, không cần đến tiền của Nhà nước cũng như của cha mẹ.
Vì thế, có thể khẳng định rằng, cánh cửa du học nước ngoài hiện nay ở ta là rất rộng mở. Mấu chốt vấn đề là ở khả năng kinh tế, thì cũng đã được đa dạng hóa, xã hội hóa, không chỉ gói lại trong một nguồn nào. Vấn đề còn lại là đi đâu, học gì, mục đích của việc du học? Thời gian qua, bên cạnh sự thành công của đa số thanh niên - học sinh du học nước ngoài, thì cũng phải thừa nhận vẫn còn một bộ phận đi du học theo phong trào, do gia đình có tiền chứ không phải xuất phát từ năng lực, nhu cầu. Từ đó dẫn đến sự lãng phí không nhỏ do mục đích là “cầu học” kết lại đã không đạt được bao nhiêu. Hãy đi học những gì đất nước mình đang cần, nhân dân mình đang cần và học với tinh thần đóng góp cho đất nước, thì sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho chính mình và gia đình.
Gia Linh