(GD&TĐ) - Mới qua tuần thứ tư của tháng 9, Trường THCS X ở quận B đã nhận được thông báo chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ về dự giờ một số tiết dạy của giáo viên. Từ Ban giám hiệu đến giáo viên và cả học sinh trường THCS X cứ gọi là “náo loạn” hết cả nên. Đó là do tâm lý chủ quan. Từ trước đến nay, Phòng hay Sở đi dự giờ thường là vào thời điểm giữa học kỳ hay là giữa năm học, chứ không ai lại đi vào đầu năm học...
Bốn tuần lễ vừa qua, Ban giám hiệu phải “chạy sô” bao nhiêu là việc, nào phân công chủ nhiệm, phân công chuyên môn, nào đại hội công nhân viên chức, rồi còn đang phải chuẩn bị đại hội phụ huynh học sinh, vân vân và vân vân…”. “Ông Sở” chẳng tâm lý chút nào, ai lại xuống trường người ta vào lúc lấn bấn như thế này”, hiệu trưởng than van cùng hiệu phó.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Than van thì than van vậy nhưng mà cấp trên lệnh thì cấp dưới vẫn phải nghe. Mà có cãi lại thì cũng không có cớ để mà cãi. Sở về dự giờ để nắm bắt việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà trường. Chẳng lẽ lại bảo: chúng tôi bận quá chưa có thời giờ để mà đổi mới hay sao?
Chỉ còn cách là Ban giám hiệu họp các tổ trưởng chuyên môn để hội kiến gấp, để hiến kế cách đối phó sao cho ổn thỏa mà thôi. Ngặt nỗi Sở lại chẳng thông báo dự giờ nào, dự giờ của ai. Thế nên chỉ còn cách là tất cả những giờ dạy ở thời khóa biểu sáng mai (thứ ba) đều được đưa vào diện “quy hoạch”.
Tiết dạy nào trúng giáo viên dạy giỏi thì thôi, còn tiết dạy nào trúng GV còn non tay nghề thì tạm thời “xin phép” nghỉ có lý do gì đấy, để GV khác vào dạy thế.
Những GV được “bỏ nhỏ” tạm thời được nghỉ đã không tự ái lại còn tỏ ra vui mừng, vì chẳng ai lại chuốc họa vào thân, vì chỉ một sơ xuất trong giờ dạy mà bị Sở phê bình thì coi như mất luôn uy tín của cả cá nhân, lẫn tập thể, không khéo còn ảnh hưởng cả tới xếp loại thi đua trong năm nữa.
Sáng hôm sau, đúng y thông báo, chuyên viên của Sở về trường dự 2 tiết, Toán và Địa lý ở tiết thứ hai của Thời khóa biểu trong ngày. Tiết Địa thì trúng một giờ của một GV dạy giỏi cấp Quận thì không ai phải lo. Chỉ có mỗi tiết Toán là nhà trường đã phải hoán đổi thầy N có giờ dạy buổi chiều lên dạy thế chỗ của cô V, một GV dạy ở mức độ trung bình.
Thầy N dạy có tiếng là dạy HS dễ hiểu bài, chỉ phải cái tội thầy thuộc hàng “a ma tơ”; các em HS cho biết nhiều hôm thầy đi tay không vào lớp, chẳng giáo án giáo iếc gì, chỉ có cây thước với cục phấn mà dạy như gió. Nhưng hôm nay thầy N vào lớp lại rất chi là cẩn thận; thầy dạy giáo án điện tử, máy chiếu, bảng biểu, bản đồ tư duy, thôi thì đủ cả.
Thầy giảng tới đâu, học sinh giơ tay đều răm rắp tới đó. Rồi thầy gọi học sinh trả lời, em A, em B trót lọt. Tới em C, thầy “mời em” vui vẻ, nhưng em vừa giơ tay nghe thầy gọi đến lại rụt tay lại tỏ ra bối rối.
Thầy khuyến khích” Em cứ nói, sai thì các bạn bổ sung, đâu có gì phải ngại!”, thế là em C phải đứng lên, em trình bày lí nhí nhưng lớp học bỗng như ngưng thở nên ai cũng nghe rõ: “ Thưa thầy, em không được cử phát biểu trước, em chỉ giơ tay cho có thôi ạ!”.
Tới đây thì cả người dạy lẫn người dự đều giật mình không biết nói gì hơn. Tiết học từ đó trở đi bỗng trầm lắng thiếu sinh khí, dù thầy N đã hết sức cố gắng bằng sở trường vốn có của mình.
Sở dĩ có sự cố nói trên, là thầy N, do phải hoán đổi dạy lớp không phải của mình nên không nắm được đối tượng học sinh nào là khá giỏi để mà đối phó với người dự.
Thầy nghĩ ra cách, phân một số em về nhà chuẩn bị thật kỹ những câu hỏi thầy đặt ra trên lớp. Ai dè đâu khi lên lớp thầy không nhớ hết nên đã chỉ nhầm em B thành C.
Có bao nhiêu tiết dạy thuộc diện “quy hoạch” trên đây? Thật khó tìm được một số liệu thống kê chính xác…
Hồng Châm