Theo TS Vũ Thị Mai Hường - thành viên nhóm nghiên cứu, kết quả nghiên cứu kinh nghiệm về dự báo nhu cầu giáo viên (GV) tuyển mới ở Mỹ; dự báo nhu cầu thay thế GV ở New Zealand và phương pháp dự báo GV ở Úc cung cấp những bài học quan trọng để vận dụng vào dự báo nhu cầu đào tạo GV ở Việt Nam hiện nay. Trong công tác dự báo đội ngũ GV Việt Nam, cần quan tâm đến các yếu tố cơ bản như: Tỷ lệ HS nhập học, tỷ lệ HS chuyển cấp, tỷ lệ hao hụt GV từ nghỉ hưu, bỏ việc/chuyển việc. Ngoài ra là những chính sách GD như: Thay đổi tỷ lệ GV/lớp; tỷ lệ GV/học sinh; thay đổi chương trình GD.
Cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Lê nhấn mạnh: Dự báo GD giúp nhìn trước tương lai, dù chỉ là những nét phác thảo; qua đó sẽ có những hành động đúng và chủ động những bước đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển cũng như chuẩn bị các tiềm năng để đón đầu sự phát triển hoặc hạn chế những khó khăn trở ngại có thể xảy ra trong tương lai.
Hiện trạng đội ngũ GV hiện nay đang thừa, thiếu cục bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các đơn vị đào tạo và sử dụng GV vẫn còn nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ. Do đó, cần có một nghiên cứu toàn diện về dự báo công tác đào tạo GV để cung cấp cơ sở lý luận và thực hành cho các chính sách, chiến lược và hoạch định về GD.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD (Bộ GD&ĐT) khẳng định, đề tài có tác động rất lớn đến nhu cầu sử dụng và nhu cầu đào tạo GV. Đề tài cần mạnh dạn đánh giá giai đoạn vừa rồi chúng ta đang dự báo theo mô hình nào; nghiên cứu xem cơ chế có vấn đề gì không, từ đó đưa ra những giải pháp khả thi hơn.