Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Phòng dự báo ngắn hạn (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết: Thực ra, trong mấy ngày qua, không chỉ là 2 cơn áp thấp nhiệt đới mà thực tế là 3, bởi có thêm cơn bão Lingling ở ngoài khơi Thái Bình Dương tác động vào thời tiết nước ta.
Chính vì thế, cảnh báo trong dịp khai giảng, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 300-500 mm/đợt. Riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế là 500-700 mm/đợt. Khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to, khoảng 200-300 mm/đợt), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.
Sơ tán dân đề phòng lũ lên (Internet). |
Hiện tượng hai áp thấp cộng thêm bão có sự tương tác nhất định, sẽ hòa lại thành một cơn áp thấp nhiệt đới chung và di chuyển theo hướng Đông Bắc. Trong vài ngày nữa, áp thấp nhiệt đới hòa chung giữa hai cơn áp thấp nhiệt đới này sẽ hình thành nên cơn bão mới.
Việc xuất hiện 2 cơn áp thấp nhiệt đới và một cơn bão như vậy đã tạo nên một tam giác xoáy thuận nhiệt đới, gây ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong mấy ngày tới, trong đó có sự kiện ngày khai giảng 5/9.
Điều đáng lo ngại nhất của các chuyên gia khí tượng thủy văn là vùng áp thấp nhiệt đới đang tồn tại trên đất liền và di chuyển ra ngoài Biển Đông do có thời gian tồn tại lâu, tác động gây mưa lớn cho khu vực Trung Bộ kéo dài, tạo áp lực cho sông suối, hồ, hồ thủy điện.
Cảnh báo ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có thể lên mức báo động 1, 2, thậm chí là báo động 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ an, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, bắc Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai.
Chính vì thời tiết bất thường như vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến ngày tựu trường của học sinh, nhất là khu vực Trung Bộ, các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ áp thấp nhiệt đới cũng như bão số 4 vừa qua.