Dự báo lũ lụt thế kỷ

Dự báo lũ lụt thế kỷ

(GD&TĐ) - Các nhà khoa học Nhật Bản vừa tiến hành dự báo tình hình lũ lụt thế giới vào cuối thế kỷ XXI. Theo họ, nước tại các dòng sông sẽ ngày càng dâng cao ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Yukiko Hirabayashi ở Trường đại học Tokyo (Nhật Bản) đã quyết định kiểm tra xem những trận lụt lớn nào (mà chúng ta gọi là những trận lụt thế kỷ) sẽ còn đe dọa nhân loại vào cuối thế kỷ này. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí “Nature Climate Change” (Mỹ).

Những khu vực bị đe dọa

Các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng 11 mô hình khí hậu của các viện nghiên cứu trên thế giới để dự báo lũ lụt. Đó là những phương trình toán học được giải bởi các máy tính siêu nhanh, mô tả những gì sẽ diễn ra trong khí quyển và đại dương. Nhờ các mô hình này, các nhà nghiên cứu sẽ dự đoán những thay đổi về khí hậu (tức là những hiện tượng thời tiết trên thang độ thời gian là tháng, năm hoặc thập niên). Trong các dữ liệu mà các mô hình cung cấp, có sự gia tăng nồng độ khí nóng, trong đó có carbon dioxide do con người thải ra trong quá trình đốt than, dầu và khí.

Trên bản đồ do các nhà nghiên cứu Nhật Bản lập ra, có thể thấy những khu vực nào của trái đất có thể bị lũ lụt đe dọa. Đến cuối thế kỷ XXI, những trận lụt lớn sẽ xảy ra từ 2 - 10 lần tại một số nơi thuộc Bắc Mỹ (các sông Yukon, Mackenzie và Columbia) phần lớn Nam Mỹ (trong đó có sông Amazon), Trung Phi (sông Niger, Kongo, Nil), Đông Á và Nam Á (các sông Enisei, Lena, Amur, Indus, sông Hằng, Mê Kông, Trường Giang) và cả khu vực duyên hải phía bắc và đông của Australia (trong đó có sông Murray).

Nhìn chung, khoảng 42% số khu vực khảo sát sẽ bị lụt lớn.

Tại châu Âu, những quốc gia có khả năng bị lũ lụt nặng nề là Ireland, Anh, Pháp (miền bắc), Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Nước sông Rhine tại Đức sẽ dâng cao. Điều tương tự cũng xảy ra với sông Dnerp ở Ukraina.

Nguy cơ gặp lũ lụt nhiều hơn

Tại sao thế giới đang nóng dần lên vì lý do biến đổi khí hậu lại có nguy cơ đối mặt với lũ lụt nhiều hơn?

Nóng lên toàn cầu làm thay đổi vòng tuần hoàn nước của trái đất. Theo các định luật vật lý, bầu khí quyển nóng hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn. Điều đó có nghĩa là xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, trong đó có giông bão, mưa rào, những đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài.

Tồi tệ hơn là nhiệt độ các đại dương tăng lên. Khi nước nóng lên thì thể tích của nó cũng tăng lên. Các sông băng tan chảy cũng đổ thêm nước ra đại dương. Theo tính toán mới đây của các nhà khoa học thuộc dự án Ice2sea (do EU tài trợ), đến cuối thế kỷ này mực nước biển trung bình sẽ dâng cao thêm 69 cm (với giả thiết là nhiệt độ trung bình trên trái đất tăng thêm 3,5 độ C). Như vậy, ngày càng có nhiều khu vực đông dân cư ven biển sẽ bị lũ lụt, bão lốc đe dọa.

Tất nhiên, các trận lụt thế kỷ mà các nhà khoa học Nhật Bản mô tả không đe dọa chúng ta chính xác sau mỗi thế kỷ một lần. Chúng có thể xảy ra liên tục trong vài ba năm rồi đột ngột “im hơi lặng tiếng”. Cư dân các thành phố thuộc lưu vực sông Elbe của Đức đã phải hứng chịu một trận lụt thế kỷ vào năm 2002. Trận lụt hiện đang hoành hành tại Trung Âu còn gây thiệt hại nặng nề hơn nữa đối với họ. (Trận lụt này đã làm đập ngăn và đê của sông Elbe bị vỡ, khiến hàng chục ngàn người tại khu vực phía đông nước Đức phải sơ tán).

Lê Văn

(Theo báo nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.