'Dự án nuôi em Nghệ An' chắp cánh những ước mơ tới trường

GD&TĐ - Sau 6 năm triển khai, dự án nuôi em mang đến hàng nghìn suất cơm trưa đầy đủ chất dinh dưỡng cho các em học sinh miền núi ở Nghệ An.

Bữa cơm "níu chân" trẻ tới trường

Chiêu Lưu là xã miền núi thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). Mặc dù cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn xã đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, tuy nhiên đời sống người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trẻ em vẫn chưa được chăm sóc đầy đủ. Có nhiều em học sinh nhà cách xa điểm trường từ 2-3 km, buổi trưa đi học về có bữa no, bữa no.

Những suất cơm trưa được hỗ trợ bởi "Dự án nuôi em Nghệ An" đến với học sinh huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Những suất cơm trưa được hỗ trợ bởi "Dự án nuôi em Nghệ An" đến với học sinh huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Thái Đình Bảy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 cho biết, người dân địa phương chỉ yếu là đồng bào dân tộc Thái, hầu hết cha mẹ đi làm ăn xa nên các em học sinh thường ở nhà với ông bà. Vì đời sống còn khó khăn, vất vả nên nhiều hôm các em đi học về buổi trưa không có được bữa ăn no, đầy đủ đủ chất dinh dưỡng.

Nhằm chia sẻ gánh nặng khó khăn, giúp đỡ các em học sinh được đến trường với bữa ăn no, đầy đủ chất dinh dưỡng, Mạng lưới tình nguyện Quốc gia (thuộc Trung tâm tình nguyện Quốc gia) đã triển khai “Dự án nuôi em Nghệ An”. Qua đó hỗ trợ bữa cơm trưa cho 270 em học sinh Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 với số tiền 150.000 đồng/tháng.

Dự án nuôi em Nghệ An hỗ trợ 270 suất cơm trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần cho các em học sinh Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2. Ảnh: LP.
Dự án nuôi em Nghệ An hỗ trợ 270 suất cơm trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần cho các em học sinh Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2. Ảnh: LP.

“Từ tháng 12/2022, Dự án nuôi em Nghệ An đã hỗ trợ cơm trưa cho 107/268 em. Đây là những em học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ bán trú theo Nghị định 81. Hiện nay, 100% học sinh được ăn uống, nghỉ trưa ngay tại trường mà không phải về nhà, phụ huynh cũng bớt đi phần nào khó khăn hơn”, thầy Bảy chia sẻ.

Ngoài công việc chuyên môn giảng dạy, các thầy cô tại các điểm trường cũng phân công tổ chức nấu ăn, chia cơm cho học sinh, hướng dẫn các em cách sử dụng thìa, đũa khi ăn và các sinh hoạt hàng ngày.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Bảo Nam 2 (xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn) là một trong những điểm trường khó khăn nhất của tỉnh, với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Khơ mú, đa phần thuộc diện hộ nghèo. Từ năm học 2019-2020 đến nay, Dự án nuôi em Nghệ An đã hỗ trợ cơm trưa cho hơn 160 em học sinh của trường.

Nhờ những bữa ăn của dự án mà nhiều học sinh vùng cao Nghệ An lần đầu biết đến nước ngọt. Ảnh: NVCC.

Nhờ những bữa ăn của dự án mà nhiều học sinh vùng cao Nghệ An lần đầu biết đến nước ngọt. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Phạm Bá Đường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bảo Nam 2 cho biết, trước đây, vào buổi trưa các em học sinh phải đi bộ về nhà để ăn cơm, có em phải đi bộ hơn 3km. Tuy nhiên, về tới nhà các em ít được ăn no, thậm chí phải nhịn đói, vì cha mẹ, ông bà phải lên rừng kiếm rau, kiếm măng cho bữa tối.

Theo thầy Đường, có nhiều hôm trời mưa, đường trơn trượt các em về rồi không đi học buổi chiều, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và giảng dạy. Từ khi dự án nuôi em đồng hành cùng nhà trường, dinh dưỡng bữa ăn được nâng cao, chiều cao cân nặng được tăng lên. Vì các em không phải về nhà buổi trưa nên sĩ số học sinh vào buổi chiều cũng được đảm bảo.

“Nhờ bữa ăn được cải thiện mà tinh thần cũng như kết quả học tập của các em được cải thiện rõ rệt. Trong thời gian tới, nhà trường rất mong muốn các nhà hảo tâm, dự án nuôi em tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng các nhà trường trên địa bàn vùng khó khăn nói chung và huyện Kỳ Sơn nói riêng”, thầy Đường chia sẻ.

Hơn 160 em học sinh của trường Tiểu học Bảo Nam 2 được hỗ trợ cơm trưa. Ảnh: LP.
Hơn 160 em học sinh của trường Tiểu học Bảo Nam 2 được hỗ trợ cơm trưa. Ảnh: LP.

Dự án lan tỏa tình yêu thương

Bà Đỗ Thị Nga – Phụ trách Dự án nuôi em Nghệ An, Trưởng ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia cho biết, qua 6 năm triển khai, đến nay dự án đã nuôi cơm trưa cho gần 3.400 em học sinh mầm non và tiểu học tại 3 huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong.

Dự án nuôi em được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phát động từ ngày 4/6/2018. Dự án được triển khai theo mô hình: Xây trường - Nhận nuôi - Nuôi cơm trưa cho các em học sinh tại các huyện miền núi khó khăn trong cả nước.

Ở dự án này, mỗi em học sinh sẽ có 1 người nhận nuôi, người nuôi các em sẽ được cung cấp toàn bộ thông tin về hoàn cảnh các em, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo... để kiểm tra, kiểm soát. Người nhận nuôi chỉ cần nhắn mã số là nhận được thông tin cá nhân của người được nuôi.

Thông tin hình ảnh, clip ăn uống của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tháng và cập nhật lên nhóm của điểm bản cùng người nuôi học sinh đó. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm hoặc gọi điện để hỏi thăm các em.

Những bữa ăn giúp học sinh miền núi tăng thể chất, chiều cao, cân nặng đều hơn. Ảnh: LP.
Những bữa ăn giúp học sinh miền núi tăng thể chất, chiều cao, cân nặng đều hơn. Ảnh: LP.

Với số tiền 150.000 đồng/em/tháng, một năm học các em sẽ được hỗ trợ tổng cộng 1.450.000 đồng. Mỗi bữa ăn, thầy cô giáo sẽ lên thực đơn, bữa ăn thịt, đậu, canh, rau... với giá chỉ 7.000-8.000 đồng/suất, cộng thêm sự hỗ trợ từ gia đình và địa phương các em sẽ có bữa ăn no và đủ chất.

Bà Nga cho biết, ngoài hỗ trợ các suất cơm miễn phí, thông qua chương trình Dự án nuôi em Nghệ An, Mạng lưới tình nguyện Quốc gia cũng tổ chức vận động các nhà hảo tâm, hỗ trợ kinh phí xây cầu giúp em vượt lũ, xây trường học cho em, lập các tủ sách và lắp đặt hệ nước sạch cho học sinh bán trú.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục mở rộng ra những điểm trường khó khăn của tỉnh Nghệ An, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, mang lại nhiều hơn những suất ăn trưa cho các em học sinh.

Được thực hiện từ năm 2014 cho đến nay, "Dự án Nuôi em" đã phủ sóng đến hàng trăm ngôi trường ở các tỉnh Nghệ An, Điện Biên, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai... với tổng số hơn 40.000 em bé đã tìm được người nhận nuôi trên cả nước.

Đặc biệt, từ năm 2019- 2022 dự án nuôi em đã xây 26 điểm trường tại bản nhờ số tiền góp xây từ 50.000-100.000 đồng/năm cho cơ sở vật của những người đăng ký nuôi em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.