Sự cần thiết xây dựng Dự án Luật
Đồng chủ trì họp báo có Trung tướng Nguyễn Văn Đức,Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo có Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Đại tá Phạm Văn Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chính trị BTTM; Đại tá Đặng Đình Tân, Phó Chánh Văn phòng BTTM.
Tại họp báo, Thiếu tướng Lưu Quang Vụ đã chỉ ra những lý do về sự cần thiết phải xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, ngày 19/5/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sau gần 30 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập. Trong số này có việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ.
Việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ…
Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật…
Thiếu tướng Lưu Quang Vụ cũng cho rằng, thực tiễn cho thấy, qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.
Nội dung cơ bản của Dự án Luật
Về bố cục, Dự án Luật gồm 6 chương, 34 điều, được xây dựng dựa trên 4 nhóm chính sách, bao gồm:
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng ten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Những nội dung cơ bản của Dự án Luật trong đó có nội dung quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự. Nội dung này bao gồm việc quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự; lập hồ sơ quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự; sử dụng, bảo quản, bảo trì công trình quốc phòng và khu quân sự…
Nội dung bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có việc xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho, đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự…
Nội dung quyền, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…
Nội dung quản lý Nhà nước trong quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ cơ quan thuộc Chính phủ…