Dự án 300 tỷ của FLC tại Hà Tĩnh sau 4 năm thực hiện

GD&TĐ - Sau 4 năm triển khai đầu tư tại Hà Tĩnh, Dự án Nông nghiệp công nghệ cao thuộc Tập đoàn FLC vẫn hoạt động cầm chừng và liên tục xin thu hẹp diện tích sản xuất.

Dự án Nông nghiệp công nghệ cao do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn FLC).
Dự án Nông nghiệp công nghệ cao do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn FLC).

Dự án nông nghiệp công nghệ cao nhưng toàn… cỏ

Được UBND Hà Tĩnh cấp phép triển khai trên diện tích 240 hecta, nhưng sau 4 năm triển khai, Dự án Nông nghiệp công nghệ cao do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn FLC) làm chủ đầu tư mới chỉ thực hiện được hơn 10 hecta.

Sau khi Dự án trồng rau củ quả sạch trên đất cát của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) hoạt động kém hiệu quả, UBND Hà Tĩnh đã quyết định nhượng lại toàn bộ diện tích 96 hecta đất tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) cho Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM (thuộc Tập đoàn FLC).

Theo đó, đầu năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư của Tập đoàn FLC vào Dự án Nông nghiệp công nghệ cao. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, xây dựng tại xã Thạch Văn và xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà) với tổng diện tích hơn 240 hecta. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Mục tiêu của dự án là tổ chức trồng trọt, sản xuất rau củ quả đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng, an toàn, giàu dinh dưỡng thông qua việc đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa nhằm cung cấp các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục đầu tư dự án từ tháng 6/2018. Và đến tháng 1/2019, nhà đầu tư phải hoàn thành đầu tư và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.

Sau khi được giao đất, từ năm 2018, chủ đầu tư bắt đầu triển khai dự án, lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên đến nay, sau 4 năm, 240 hecta đất được giao vẫn gần như bị bỏ hoang. Các cây trồng trên đất dự án đều cho năng suất kém hiệu quả với diện tích ít ỏi. Số diện tích còn lại thì cỏ dại vẫn là loại “chủ lực” tại dự án này.

Theo ghi nhận của PV Báo GD&TĐ, tại khu vực dự án mới chỉ trồng được một số diện tích thanh long. Tuy nhiên, “số phận” những cây thanh long này không mấy khả quan khi hầu như toàn bộ các cây đều bị vàng úa, còi cọc hoặc héo khô bên các cọc bê tông.

Theo các lao động tại đây cho biết, sau khi dự án đi vào hoạt động đã cho trồng thử nghiệm 5 hecta thanh long ruột đỏ, vụ đầu tiên cho năng suất 2,5 tấn. Tuy nhiên, đây cũng là vụ thanh long duy nhất trong gần 4 năm trồng thử nghiệm. Vì từ đó đến nay số cây thanh long này cũng hề không cho thêm lứa quả mới.

“Ngoài điều kiện thời tiết, thì do dịch bệnh không có điều kiện chăm sóc nên số thanh long ruột đỏ năng suất cũng kém hơn. Theo quy hoạch thì công ty sẽ trồng khoảng 35 hecta thanh long ruột đỏ, nhưng sau khi trồng thử nghiệm không đạt hiệu quả như mong muốn nên chưa phát triển thêm diện tích. Hiện nay, phía công ty chỉ mới tiến hành đóng cọc bê tông”, anh Nguyễn Viết Hùng, công nhân làm việc tại Dự án Nông nghiệp công nghệ cao, cho biết.

Tại dự án còn trồng khoảng 3 hecta dưa lưới công nghệ cao với 7.500 cây tại các nhà màng. Cũng theo anh Hùng, hiện nay đây là cây trồng chủ lực của dự án với năng suất 8 - 9 tấn mỗi vụ, đem lại từ 200 - 300 triệu đồng/vụ.

Ngoài ra, các công nhân trồng xen dắm thêm 2 hecta lạc và 2 hecta dưa hấu ruột đỏ. Các công nhân tại đây cho biết, toàn bộ số hoa màu này đều được trồng theo công nghệ cao, với hệ thống tưới nhỏ giọt nhưng năng suất “không ăn thua”.

Phía chủ đầu tư xin “trả bớt” đất dự án

5 hecta thanh long ruột đỏ bị “chết yểu” sau thời gian trồng thử nghiệm.
5 hecta thanh long ruột đỏ bị “chết yểu” sau thời gian trồng thử nghiệm.

Do dự án hoạt động kém hiệu quả, đất bỏ hoang gây lãng phí, đầu năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, tham mưu xem xét việc thu hồi Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC.

Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho hay, tại xã có 76 hecta diện tích đất đã nhường cho dự án. Từ năm 2018 tỉnh giao đất cho FLC đơn vị xây dựng dự án, nhưng đến nay không có khởi sắc, không triển khai theo mục tiêu đặt ra. Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chỉ để lại một ít công nhân để bảo vệ tài sản và sản xuất cầm chừng một số loại rau củ quả.

“Nhận thấy dự án kém hiệu quả, tại nhiều cuộc họp, người dân địa phương cũng đã có ý kiến đề nghị thu hồi dự án để giao lại cho người dân canh tác. UBND xã Thạch Văn cũng đã tham mưu ngành chức năng trả lại đất cho địa phương hoặc chuyển cho đơn vị khác nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Thái thông tin.

Cũng theo ông Thái, hiện Thạch Văn đang có 2 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác và 48 hộ gia đình với hơn 13 hecta diện tích trồng rau trên cát đều đem lại thu nhập ổn định.

Liên quan đến Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC, năm 2021, UBND tỉnh đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, báo cáo lại. Hiện tại về dự án còn chậm tiến độ, thủ tục chưa hoàn chỉnh, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng chưa xong.

Theo tìm hiểu của PV, do gặp khó trong việc sản xuất nên Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM đã có văn bản đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cho phép chuyển đổi quy hoạch, xin chỉ thực hiện dự án trên diện tích hơn 96 hecta tiếp nhận từ Mitraco Hà Tĩnh.

“Hiện nay, chúng tôi đang chờ xin ý kiến các sở ngành để báo cáo với UBND tỉnh, nếu tỉnh đồng ý thì sẽ chấp thuận cho chủ đầu tư điều chỉnh dự án”, ông Phan Văn Nhàn, Trưởng phòng Doanh nghiệp Sở KH-ĐT tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ