Nhiều nơi dưới 0 độ C, có băng giá
Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, đợt không khí lạnh (KKL) đang chuẩn bị ảnh hưởng nước ta có cường độ rất mạnh. Từ chiều tối 29/12, bộ phận không khí lạnh rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngày 30/12 ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Sau đó ngày 31/12 KKL còn có tác động đến Tây Nguyên và Nam Bộ.
Đợt KKL không chỉ gây giảm nhiệt mạnh trên đất liền và gây ra đợt rét đậm, rét hại thứ 2 của mùa đông năm nay với nguy cơ cao xảy ra băng giá ở các vùng núi cao mà còn gây gió rất mạnh đất liền cũng trên các vùng biển nước ta.
Cụ thể từ đêm 29/12/2020 đến đến ngày 1/1/2021, ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10. Vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,5 - 5,5m. Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5,0 - 7,0m.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho hay, từ ngày 30/12, ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại. Trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6 - 9 độ, vùng núi 3 - 6 độ, vùng núi cao dưới 0 độ và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13 - 16 độ. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. Từ ngày 31/12, ở Nam Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.
So sánh với đợt rét kỷ lục năm 2016, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho rằng, cả 2 đợt KKL đều có cường độ rất mạnh, tuy nhiên năm 2016 KKL mạnh kết hợp với cả hệ thống gió tây mạnh ở 5.000m nên gây ra tình trạng rét ẩm, mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Trong khi đó, đợt này chủ yếu là rét khô, ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp, ban ngày có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016.
Triển khai các biện pháp an toàn cho học sinh
Ông Lê Thanh Hải, Tổng Thư ký Hội Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam cho hay, đợt rét lần này sẽ khô hơn, có nắng hanh vào ban ngày, ít khả năng có tuyết rơi. Nhưng sẽ nhiều nơi ở vùng núi sẽ có băng giá, sương muối. Các cực tiểu nhiệt độ không khí của mùa đông năm nay sẽ xảy ra vào những đêm của kì nghỉ Tết Dương lịch. Quan trọng nhất là đợt rét hại này không kéo dài. Người dân chú ý chống rét cho người, trâu bò, gia súc, gia cầm và các loại vật nuôi, cây trồng.
Ngày 29/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ra công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ yêu cầu khẩn trương ứng phó với đợt siêu rét hại đặc biệt mạnh, hiếm gặp. Một số biện pháp như tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống.
Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người. Nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh. Triển khai các biện pháp để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất. Chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuyên truyền, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín…
Trong tháng 1/2021, có khoảng 4 - 6 đợt KKL ảnh hưởng đến nước ta. Trong thời kỳ 20 ngày đầu tháng 1/2021 nền nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm thấp và khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn so với trung bình nhiều năm. Đề phòng hiện tượng băng giá, mưa tuyết tại vùng núi cao.
Về dự báo hạn dài trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến nửa đầu năm 2021, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào mùa hè năm 2021. Các tháng đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với TBNN. Nắng nóng trong các tháng mùa hè tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn bình thường và không gay gắt như năm 2020.
Trong những năm chuyển pha của ENSO, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa hè năm 2021.