Đồng ý từ chức, lãnh đạo Yemen cảnh báo về al Qaeda

Đồng ý từ chức, lãnh đạo Yemen cảnh báo về al Qaeda

(GD&TĐ) – Dưới áp lực từ những người biểu tình và liên minh khu vực, Tổng thống Yemen hôm qua (21.5), cho biết ông sẽ ký một thỏa thuận từ chức sau 32 năm cầm quyền. Ông cho đây là một việc “táo bạo” và cảnh báo Mỹ, châu Âu rằng sự ra đi của ông sẽ mở cửa cho al Qaeda vào kiểm soát tại Yemen.

Những dấu hiệu không nhất quán từ tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, được đưa ra sau 2 lời hứa sẽ ký kết đề xuất từ chức của ông trước đó. Cả 2 lần đó ông đều quay đi vào phút cuối cùng, điều này càng khiến lực lượng đối lập không tin tưởng vào một lãnh đạo có tiếng là có khả năng về chính trị và cầm quyền nhiều thập kỷ.

Những người biểu tình ở Yemen đòi lật đổ Tổng thống
Những người biểu tình ở Yemen đòi lật đổ Tổng thống

“Chúng tôi chấp nhận việc này để chấm dứt đổ máu” – ông Saleh nói trong một bài phát biểu trên truyền hình, một tuyên bố chính thức trước đó cùng ngày cũng nói rằng ông sẽ ký thỏa thuận từ chức vào Chủ nhật.

Đề xuất từ chức, có Hội đồng hợp tác vùng Vịnh làm trung gian, đã cho phép ông Saleh được miễn khởi tố nếu ông rời khỏi văn phòng trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn được rằng nó có làm hài lòng tất cả những nhóm người khác nhau đang biểu tình trên đường phố chống lại sự cai trị của ông hay không.

Ông Saleh đã cố gắng nẵm giữ chức vụ khi gặp phải những cuộc biểu tình gần như diễn ra hàng ngày của hàng trăm ngàn người phản đối nạn tham nhũng và sự nhèo đói. Giống như các phong trào chống chính phủ khác quét qua thế giới A rập, họ lấy cảm hứng từ những cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập.

Tổng thống Yemen đã do dự khi đưa ra sự nhượng bộ và đã thực hiện đàn áp mà theo phe đối lập là đã khiến hơn 150 người thiệt mạng. Sự đổ máu đã tạo ra một làn sóng ra đi của những thành viên đảng cầm quyền, các bộ trưởng, những nhà ngoại giao cao cấp… Chính phe của ông Saleh cũng tham gia cùng với những người đang muốn lật đổ ông. Đặc biệt là, một số chỉ huy quân đội cao cấp, cũng gia nhập phe đối lập và cho xe tăng xuống các đường phố thủ đô Sanaa để bảo vệ người biểu tình.

Ông Saleh có thể sống sót là nhờ vào các đơn vị quân sự trung thành được trang bị tốt nhất, tinh nhuệ nhất do các thành viên trong gia đình ông đứng đầu. Điều đó lại càng tăng thêm mối lo về cuộc khủng hoảng chính trị có thể biến thành cuộc xung đột có vũ trang giữa các lực lượng quân sự đối lập nếu thỏa thuận bị trì hoãn thêm.

Nhằm tìm kiếm sự ủng hộ ở phương Tây cho việc tiếp tục cai trị đất nước, ông Saleh đã vài lần cảnh báo rằng không có ông, al Qaeda sẽ kiểm soát đất nước.

Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh
Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh

Tuy nhiên, Mỹ, nước đã hỗ trợ ông Saleh về tài chính và thiết bị quân sự để chống lại chi nhánh al Qaeda nguy hiểm tại đây, cũng đã quay lưng. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua (21.5) nói rằng người Yemen đã bị đàn áp trên khắp cả nước và thường dân vô tội đã chết.

“Tổng thống Saleh cần thực hiện cam kết của mình để chuyển giao quyền lực” – bà Clinton nói – “Chính quyền Yemen phải giải quyết mong muốn hợp pháp của người dân”.

Lực lượng al Qaeda ở bán đảo A rập có khoảng 300 chiến binh tại Yemen và đã đứng đằng sau một số vụ tấn công suýt thành công vào các mục tiêu của Mỹ, bao gồm việc âm mưu đánh bom cảm tử trên chiếc máy bay tới Detroit, Mỹ tháng 12 năm 2009. Thiết bị nổ được khâu trong đồ lót của một người đã không phát nổ thành công.

Trong khi đó, thành viên của phe đối lập Mohammed Ghalib Ahmed đã bác bỏ lời cảnh báo của Tổng thống Saleh về al Qaeda: “Ông ta đang khủng bố người Mỹ và phương Tây”.

Hà Châu (Theo AP)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ