Cháo cà rốt. |
Bệnh ở trong đường ruột là do vi khuẩn . Còn cảm nhiễm ngoài đường ruột là do ảnh hưởng của các bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa và một số bệnh khác.
Đông y chia bệnh tiêu chảy thành 4 thể với cách trị khác nhau:
Thể thương thực: Biểu hiện bụng đầy, đau, mồm hôi, ăn kém, ỉa ngày 5-6 lần, ỉa xong hết đau bụng, phân có nhiều chất không tiêu, có lúc buồn nôn hoặc nôn, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch hoạt sác.
Phép chữa: Tiêu thực đạo trệ.
Bài thuốc: Ý dĩ 12g, la bặc tử 12g, sơn tra 8g, trần bì 6g, mộng mạ (sao) 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể phong hàn: Thường do cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên. Biểu hiện đại tiện nhiều lần, phân có bọt, bụng sôi, đau, có lúc kèm sốt, chảy nước mũi trong hoặc tắc mũi, ho nhẹ, chán ăn, không khát, rêu lưỡi trắng nhợt. Mạch trầm.
Phép chữa: Khu phong, tán hàn, hóa thấp.
Bài thuốc: Đảng sâm, hoắc hương, lá tía tô, ý dĩ đều 12g; trần bì, bào cương đều 6g. Sắc uống nóng trong ngày.
Thể thấp nhiệt: Biểu hiện đại tiện nhiều lần nhiều nước tóe, hậu môn đỏ, khát nước, đái ít, đái vàng, nặng thì thóp lõm, môi lưỡi đỏ. Mạch tế sác.
Phép chữa: Thanh nhiệt lợi thấp.
Bài thuốc: Cát căn, xa tiền, kim ngân hoa tất cả đều 12g; hoàng cầm, hoàng liên đều 8g; lục nhất tán 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể tỳ hư: Đại tiện kéo dài kèm theo suy dinh dưỡng, đại tiện nhiều lần, phân sống, có lúc mùi thối khẳm, có lúc phân chua, sắc mặt vàng, người gầy xanh, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch nhỏ vô lực.
Phép chữa: Kiện tỳ tiêu thực.
Bài thuốc: Đảng sâm, hoài sơn, ý dĩ, bạch biển đậu đều 12g; nhục đậu khấu, trần bì, cốc nha, hậu phác đều 8g. Sắc uống trong ngày.
Sau đây xin giới thiệu một số món cháo dùng khi trẻ tiêu chảy, phân sống:
Cháo gừng. |
Cháo rau sam: Rau sam 90g, búp ổi non 20g, quả hồng xiêm non 10g, gạo 30g, bột gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào nồi, đổ 250ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước, bỏ bã. Gạo xay thành bột cho vào nước rau trên quấy đều, đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho bột gia vị. Bệnh nhân ăn ngày 2 lần lúc cháo nóng, khi đói. Ăn liền 2-3 ngày.
Cháo cà rốt, ô mai: Cà rốt 50g, ô mai mơ 5 quả, gạo 50g. Mài cà rốt thành bột, ô mai bóc lấy vỏ giã nhỏ, gạo rang vàng xay thành bột. Tất cả cho vào nồi với 200ml nước, đun trên lửa nhỏ, cháo chín là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, ăn liền 2-3 ngày.
Cháo hạt sen: Hạt sen 100g, củ mài 50g, quả hồng xiêm non 15g, đường phèn 20g. Quả hồng xiêm giã dập cho vào nồi, đổ 250ml nước, đun sôi kỹ, chắt lấy nước, bỏ bã. Hạt sen, củ mài, sấy khô, tán thành bột, cho vào nước hồng xiêm quấy đều, đun trên lửa nhỏ, cháo chín, cho đường phèn, đun tiếp đường tan hết là được. Chia ăn 3 lần trong ngày, lúc đói, lúc cháo nóng. Ăn liền 2-3 ngày.
Cháo gừng: Gạo trắng 50g, gừng tươi 50g. Gạo nấu cháo chín cho gừng vào. Ăn nóng trong ngày.
Cháo gạo, sơn dược: Gạo 50g, sơn dược 10g, thịt quả vải khô 50g, hạt sen 10g. Tất cả cho vào nồi, nước vừa đủ, nấu chín ăn trong ngày.
Cháo khiếm thực, phục linh: Bột khiếm thực 60g, bột phục linh 20g, gạo lức 100g. Gạo lức nấu thành cháo, cho hai thứ bột trên vào đun sôi lên là ăn được. Ăn trong ngày.
Cháo khương, tra, củ cải: Gừng tươi 20g, sơn tra 20g, củ cải 15g, đường đỏ 15g, gạo lức 250g. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ đun trong 40 phút, bỏ bã, lấy nước nấu với gạo vo sạch thành cháo rồi cho đường. Ngày ăn 3 lần liền 5 ngày.
Thuốc đắp ngoài:
Bài 1: Hành củ 15g, gừng sống 15g. Đem giã nát nhuyễn, gói trong miếng vải, đắp rốn bệnh nhi rồi băng cố định.
Bài 2: Tỏi 12g, lòng trắng trứng gà 1 quả. Giã nát tỏi trộn với lòng trắng trứng, gói vào vải đắp lên huyệt dũng tuyền ở lòng bàn chân trẻ.
Lương y Minh Chánh