Đồng vị phóng xạ hạt nhân phát hiện tại VN không đáng ngại cho sức khỏe

Đồng vị phóng xạ hạt nhân phát hiện tại VN không đáng ngại cho sức khỏe
(GD&TĐ)- Trong ngày 29 và 30 phần đám mây chính vẫn chưa vào thềm lục  địa Việt Nam và nằm trong khu vực giữa Phillipines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam. 
Trung tâm dữ liệu quốc gia Việt Nam trong mạng lưới của Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vừa công bố số liệu cập nhật hàng ngày phóng xạ phát hiện được từ các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ của cơ quan này.  
Đồng vị phóng xạ hạt nhân phát hiện tại VN không đáng ngại cho sức khỏe ảnh 1
 Đám mây phóng xạ lúc 8:00 ngày 30/3.  Ảnh, CTBTO
Cơ quan này cho biết: trạm quan trắc JPP38 đặt tại Nhật Bản gần khu vực nhà máy Fukushima vẫn tiếp tục phát hiện hạt nhân phóng xạ từ phản ứng kích hoạt và hạt nhân phóng xạ từ phản ứng phân hạch. Trạm JPP37 đặt trên đảo Okinawa cũng ghi nhận được các hạt nhân phóng xạ. 
Theo báo cáo mới nhất ngày 29/3 của Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (bộ KH-CN Việt Nam), mức độ phóng xạ cao quan trắc được đã khiến việc thoát nước tù đọng trong tòa nhà tuốc bin trở nên khó khăn, có thể gây trì hoãn công việc sửa chữa. Nước trong tòa nhà tuốc bin của Tổ máy số 2 chứa hàm lượng phóng xạ gấp 100.000 lần mức độ phóng xạ trong nước của lò phản ứng ở điều kiện hoạt động bình thường, còn mức độ phóng xạ trên mặt nước tại đây là hơn 1000mSv/h. Tại tổ máy số 1 và 3 cũng tìm thấy nước với lượng phóng xạ cao gấp 1000 lần so với nước trong điều kiện hoạt động bình thường.
Lúc 15:30 ngày 27/3 giờ Nhật Bản (13:30 giờ Việt Nam), đã phát hiện được mức độ phóng xạ cao trên 1000 mSv/h trong nước tù đọng tại rãnh bê tông bên ngoài tòa nhà lò của Tổ máy số 2. Rãnh bê tông này được sử dụng để đặt cáp điện và các đường ống. TEPCO đang tìm cách rút nước đọng trong các rãnh này.
Tại rãnh bê tông của tổ máy số 1 và 3 cũng tìm thấy các vũng nước đọng. Mức độ phóng xạ trên bề mặt nước đọng ở rãnh bê tông Tổ máy số 1 là 0,4 mSv. Việc đo mức độ phóng xạ ở rãnh bê tông Tổ máy số 3 chưa thực hiện được.
Ngày 28/3, nhóm chuyên gia IAEA tiếp tục tiến hành kiểm xạ tại 3 địa điểm ở Tokyo và Chiba. Suất liều gamma đo được dao động từ 0,08-0,13 μSv/h. 

Theo CTBTO, các trạm quan trắc đặt tại Thái Bình Dương và trong lục địa của Hoa kỳ và Canada cũng đều phát hiện được các hạt nhân phóng xạ. 

Các trạm đặt tại Châu Âu như Nga, Thuỵ Điển, Nauy, Iceland, Đức có vẻ như chỉ phát hiện được I ốt phóng xạ (I-131). I-131 là hạt nhân phóng xạ được phát tán trong không khí rất nhanh nên mặc dù đám mây phóng xạ có lúc mới chỉ  gần đến Châu Âu thì một số trạm quan trắc tại đây đã phát hiện được nó. 
Tại  Đông Nam Á, hiện chỉ có 2 trạm của tổ chức CTBTO đưa số liệu  đến Trung tâm dữ liệu quốc tế là trạm tại Malaysia và tại Phillipines. Trạm tại Phillipines đã phát hiện thấy các hạt nhân phóng xạ. Trạm đặt tại Malaysia vẫn chưa phát hiện được gì.
Số liệu đo phóng xạ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Trạm quan trắc Đà Lạt cho thấy trong sol khí, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 có nguồn gốc từ tia vũ trụ; K-40; Th-232 và U-238 có nguồn gốc từ bụi đất; còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131 với chu kỳ bán rã 8,02 ngày, ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Trạm quan trắc phóng xạ môi trường do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân quản lý đặt tại thành phố Lạng Sơn đã phát hiện được một số đồng vị nhân tạo trong không khí với hàm lượng rất nhỏ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866:2001 quy định giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của một cơ sở bức xạ hoặc cơ sở hạt nhân trong điều kiện hoạt động bình thường là 1 mSv/năm lấy trung bình trong 5 năm liên tục, còn trong 1 năm đơn lẻ không vượt quá 5 mSv. 
Đồng vị phóng xạ hạt nhân phát hiện tại VN không đáng ngại cho sức khỏe ảnh 2
 Ảnh, CTBTO
Căn cứ Tiêu chuẩn trên, các kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí các ngày 28 và 29/3/2011 của Trạm quan trắc mẫu sol khí tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. 
Trên Vùng biển Đại Tây dương đám mây phóng xạ lan rộng về phía  đông về Châu Âu và tại biển Thái bình dương  đám mây ngày càng lan rộng thêm xuống phía nam và đi sâu vào Châu Mỹ, lên phía cực bắc và đến Châu Âu.  
CTBTO khẳng định, những ngày sắp tới  đám mây này có lan rộng tới lãnh thổ Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào điều điện khí tượng của vùng Đông Nam Á. Tất nhiên nếu đám mây có đến Việt Nam thì rất khó phát hiện sự ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở Việt Nam.
Việt Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.