Đồng thuận và đồng hành

GD&TĐ - Học sinh lớp 9 và 12 tại TPHCM trở lại trường học vào ngày 13/12, còn trẻ 5 tuổi và lớp 1 tạm thời chưa.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đó là một quyết định khá cân não của thành phố trong bối cảnh dịch bệnh hiện chưa ổn định, biến chủng mới Omicron xuất hiện, số ca nhiễm mới sau nới lỏng giãn cách có xu hướng tăng.

Để đi đến quyết định này, chính quyền và ngành Giáo dục phải xem xét nhiều yếu tố, trong đó ý kiến của phụ huynh có ý nghĩa quyết định. Theo đó, đa số phụ huynh có con độ tuổi 12 - 17 (đối tượng đã được tiêm phủ vắc-xin) đồng thuận với phương án cho con em đi học trở lại.

Còn phụ huynh các học sinh dưới độ tuổi này, đặc biệt là lớp 1, số đông chưa nhất trí. Thống kê từ ngành GD-ĐT TPHCM cho thấy có hơn 70% phụ huynh lớp 1 chưa sẵn sàng cho con trở lại trường, nhiều trường có tỷ lệ đồng thuận dưới 15%. Lý do phụ huynh chưa muốn học sinh lớp 1 đi học trực tiếp là các em chưa được tiêm vắc-xin, ý thức phòng dịch chưa cao. Trước đó, để chuẩn bị cho học sinh đi học lại, Hà Nội cũng từng khảo sát ý kiến phụ huynh, gần 77%  đồng ý cho con đi học, còn trên 23% vẫn lo ngại do chưa tiêm vắc-xin.

Thực tế cho thấy, sự đồng thuận của phụ huynh là một yếu tố rất quan trọng để mở cửa trường. Nếu phụ huynh không đồng thuận, hoặc đồng thuận quá thấp, rất khó khăn cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức học trực tiếp.

Đến nay, đa số phụ huynh đều mong muốn con được đến trường học tập, vì ai cũng thấy rõ học trực tuyến kéo dài hiệu quả chưa ổn, tác động xấu đến sự phát triển sức khỏe, tâm sinh lý trẻ. Tuy nhiên, đã đi học là phải an toàn. Rào cản lớn nhất khiến phụ huynh chưa sẵn sàng cho con đến trường chính là chưa yên tâm về sự an toàn, mà vắc-xin là một trong những “chìa khóa” quan trọng.

Do đó, song song với việc các tỉnh, thành đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho học sinh 12 - 17 tuổi, cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.

Tuy nhiên, vắc-xin chỉ là một trong những giải pháp an toàn phòng chống dịch. Việc bảo vệ sức khỏe cho học sinh an toàn trở lại trường còn cần nhiều giải pháp khác, song hành với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc 5K, các trường học phải phát hiện sớm và hạn chế nguồn bệnh bên ngoài xâm nhập vào; có biện pháp xử lý sớm, khử khuẩn, vệ sinh, dập dịch khi ghi nhận ca F0, có phương án chăm sóc học sinh chưa tiêm. Đặc biệt, học sinh phải được rèn thuần thục các kỹ năng, chấp hành nghiêm biện pháp phòng dịch.

Trường học mở cửa trở lại với sự đồng thuận của phụ huynh thì công cuộc phòng chống dịch trong học đường lại càng không thể thiếu sự đồng hành của lực lượng này. Để phát huy vai trò của cha mẹ học sinh trong việc cùng nhà trường bảo đảm an toàn cho con em, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, truyền thông.

Thông qua sổ liên lạc điện tử/hệ thống thông tin liên lạc sẵn có, nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh các biện pháp bảo vệ, theo dõi sức khỏe của con em, khi có triệu chứng nghi ngờ thì trao đổi, thông tin cùng hợp tác. Trường hợp trường học xuất hiện F0 cần bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn; không gây hoang mang, hoảng loạn, nóng vội.

Khi mỗi trường học, cơ sở giáo dục là một pháo đài chống dịch, mỗi giáo viên, học sinh là một chiến sĩ, thì phụ huynh chính là hậu phương vững chắc. Đồng thuận, đồng hành cùng nhà trường trong cuộc chiến chống dịch, phụ huynh là lực lượng có vai trò hỗ trợ đặc biệt quan trọng để nhà trường hoàn thành mục tiêu kép trong bối cảnh mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ