Đồng thuận thi 4 môn, Ngoại ngữ lấy điểm khuyến khích

GD&TĐ - Đa số cán bộ quản lý giáo dục đều xác định nhần phần khó về mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

Đồng thuận thi 4 môn, Ngoại ngữ lấy điểm khuyến khích

Chủ trương đúng, Sở không ngại khó

Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái Trần Xuân Hưng khẳng định: Việc Bộ GD&ĐT đang có chủ trương giảm số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là hoàn toàn đúng đắn. 

Việc này sẽ giảm tải áp lực cho học sinh và tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Ông Hưng đồng ý với chủ trương thi 4 môn với môn Toán, Văn là hai môn thi chính.

Đây không phải lần đầu tiên ngành Giáo dục tổ chức thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi. Trước đây nhiều năm cách này đã được áp dụng - Ông Hưng chia sẻ. 

Với 4 môn thi, thí sinh sẽ được giảm sức ép nhưng áp lực lại đè nặng lên các cơ quan quản lý giáo dục, địa phương tổ chức thi. Việc ra đề thi, coi thi, chấm thi phức tạp hơn rất nhiều trong một kỳ thi có nhiều môn thí sinh lựa chọn. 

Tuy nhiên, ông khẳng định, nếu Bộ đã có chủ trương, các Sở GD&ĐT sẽ không ngại khó, ngại khổ để tổ chức kỳ thi diễn ra theo đúng quy chế và an toàn.

Về điểm mới Ngoại ngữ sẽ không là môn thi bắt buộc, ông Trần Xuân Hưng cũng hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên để đồng bộ với mục tiêu của "Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống Giáo dục quốc dân từ nay đến 2020" mà Bộ đang triển khai là: 

Đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp Trung cấp, CĐ, ĐH có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc ở môi trường đa văn hóa, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người Việt Nam, Bộ cần có lộ trình để tiến tới học và thi ngoại ngữ một cách bắt buộc. Nhằm tạo động cơ cho người học và người dạy ngoại ngữ. 

Khi điều kiện giáo viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ tốt lên và đồng đều khắp các vùng miền thì tiến tới bắt buộc thi ngoại ngữ.

Khuyến khích được học sinh

Nhà giáo Nguyễn Xuân Tuy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Sơn La - cũng đồng ý với phương án thi 4 môn. 

Đối với các tỉnh miền núi, Ngoại ngữ không nên đưa vào môn thi bắt buộc, mà chỉ để các em tự chọn thi để lấy điểm khuyến khích. Nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, điều kiện học ngoại ngữ của học sinh còn nhiều khó khăn hơn các vùng miền khác nên chưa thể đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc.

Là một nhà quản lý giáo dục nhiều năm, trước khi làm Hiệu trưởng trường chuyên biệt PTDTNT tỉnh, nhiều năm liền ông Tuy đã làm Hiệu trưởng trường đại trà khác là THPT Mai Sơn (đây cũng là trường thuộc vùng khó khăn của tỉnh Sơn La) ông cho biết: 

Tại tỉnh Sơn La, những năm trước, nhiều vùng miền khó khăn được ưu tiên chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ. Ông Tuy cho rằng mục tiêu để đưa đất nước hội nhập sâu rộng quốc tế là phải trang bị vốn ngoại ngữ cho các công dân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. 

Song việc đưa Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chưa nên, nhất là với vùng giáo dục các vùng khó. Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn quá trình này cần có lộ trình.

Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Tuyên Quang Đỗ Thị Kim Anh cũng khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới tiến hành thi 4 môn là hợp lý, không tạo sức ép nặng nề cho các thí sinh dự thi, 2 ngày thi cũng không quá dài như 3 ngày trước đây của những năm trước, không gây căng thẳng cho cả thí sinh và phụ huynh.

Để Ngoại ngữ là môn tự chọn là rất phù hợp với điều kiện dạy học ở miền núi khi mà phần nhiều giáo viên chưa chuẩn được trình độ theo khung tham chiếu châu Âu. 

Bên cạnh đó là nhiều điều kiện khó khăn khác nữa đó là trình độ nhận thức của học sinh cũng kém hơn ở các vùng miền khác nên các em rất ngại thi môn ngoại ngữ. 

Trừ trường hợp học sinh của các lớp chuyên ngữ, học sinh thi ĐH các khối có môn thi Ngoại ngữ. Trường hợp này, các em có thể chọn môn ngoại ngữ thay cho một trong hai môn tự chọn để được cộng điểm nếu đạt điểm thi tốt. 

Bà Tố Anh cho rằng: Nếu lo ngại rằng không thi ngoại ngữ thì các em sẽ không học là hoàn toàn không đúng. Vì đằng sau kì thi tốt nghiệp THPT còn nhiều kì thi khác trong quá trình thi CĐ-ĐH, quá trình học chuyên nghiệp và đi làm trong hoàn cảnh đất nước hội nhập quốc tế, học sinh buộc phải học ngoại ngữ.

Nhiều học sinh sẽ không chọn thi Ngoại ngữ

Giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường PTDTNT tỉnh Tuyên Quang Bàn Thị Kim Thanh cho rằng nếu ngoại ngữ là môn thi tự chọn thì phần đông các em sẽ không chọn ngoại ngữ để thi; thay vào đó là một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Đúng như nhận định của cô Thanh, hai em Hoàng Thị Ngân và Bàn Thị Yến đang học lớp 12 của trường cho biết sẽ không chọn ngoại ngữ để thi. 

Yến cho biết, em và các bạn trong trường rất ủng hộ phương án thi 4 môn của Bộ nếu được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Yến thi ĐH khối B, do vậy ngoài hai môn bắt buộc Văn và Toán, em sẽ chọn môn Hóa hoặc Sinh để thi môn tự chọn. Hai môn thi này nằm trong khối thi ĐH của em nên từ năm lớp 10, em đầu tư thời gian và học rất tốt.

Còn Ngân cho biết, lý do em không chọn ngoại ngữ làm môn thi tự chọn tốt nghiệp là do nhiều môn khác em học tốt hơn ngoại ngữ. Hóa học và Vật lý em học tốt hơn nên nếu được chọn em sẽ chọn một trong hai môn này. Còn nếu bắt buộc phải thi ngoại ngữ em vẫn tự tin là sẽ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp vì lực học môn tiếng Anh của em ở mức khá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ