Rắn thường ẩn náu tại các bụi cây, bờ ruộng, trần nhà… nếu không may tay, chân chạm trúng rắn thì sẽ bị rắn tấn công. Mới đây, bé Nguyễn Thị Diễm H., sinh năm 2010, ngụ ấp Thanh Tiến (xã Nhị Mỹ, Cao Lãnh) leo lên cầu thang gỗ trong nhà thì bị rắn màu xanh, không có đuôi đỏ cắn.
Ngay sau khi biết con bị rắn cắn, ba của bé nặn ra ít máu chỗ vết cắn, 30 phút sau chở bé đến bệnh viện (BV) cấp cứu. Chẩn đoán rắn không độc cắn nên sau 3 ngày điều trị, bác sĩ thấy sức khỏe bé ổn đã cho xuất viện.
Trường hợp anh Phạm Toàn T., sinh năm 1985, ngụ phường 3 (TP Cao Lãnh) đang đi ngoài đồng thì bị rắn cắn. Khi bị cắn do anh hốt hoảng không kịp quan sát là rắn gì.
Sau đó anh được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp. Lúc đầu vết cắn bị sưng nề, được điều trị 3 ngày thì sức khỏe anh bình phục.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, BVĐK Đồng Tháp đã cấp cứu, điều trị đến 35 trường hợp bị rắn cắn. Trong đó có 2 trường hợp bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, một số trường hợp bị rắn lục, rắn hổ cắn.
Nhiều trường hợp không xác định bị loài rắn gì cắn, 3 trường hợp bệnh diễn tiến phức tạp phải chuyển lên tuyến trên điều trị, rất may không có ca tử vong.
Được biết trong năm 2013, BVĐK Đồng Tháp chỉ tiếp nhận 8 trường hợp bị rắn cắn, đến năm 2014 BV này tiếp nhận gần 20 trường hợp, trong đó có 1 thanh niên bị rắn hổ cắn dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia về môi trường đều có chung nhận định là hiện nay điều kiện sinh thái có thay đổi dẫn đến chu trình sinh sản của rắn cũng thay đổi. Nhiều loài rắn sinh sản ở nhiều thời điểm khác nhau, một khi rắn đang trong chu kỳ sinh sản thì rất hung hăng, dễ tấn công người.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Tấn Hiếu (Khoa Cấp cứu - Tổng hợp, BVĐK Đồng Tháp) cho biết: Người bị rắn cắn cần bình tĩnh, người thân cũng nên trấn an để nạn nhân bình tĩnh.
Sơ cứu bệnh nhân bằng cách dùng tay nặn máu chỗ vết cắn, dùng miệng hút chỗ vết thương sau đó nhổ bỏ máu vừa hút. Tìm miếng bông gòn đặt lên vết thương, băng ép vết thương, sau đó dùng vải quấn quanh phía ngoài vết thương, đặt dụng cụ nẹp chỗ bị cắn, không nên làm ga rô.
Khi bị rắn cắn tốt nhất nên đập rắn mang đến BV, nếu rắn chạy nhanh thì quan sát xem hình dáng, màu sắc, kích thước, có hình các khoanh trên thân hay không để đến mô tả lại bác sĩ nhằm xác định rắn độc hay không độc.
Nếu thấy sức khỏe bệnh nhân tốt thì có thể đưa đi điều trị bằng xe máy, nếu khó thở nhiều thì nên gọi xe cấp cứu. Tuyệt đối khi bị rắn cắn không được để bệnh nhân tự điều trị ở nhà.
Để phòng ngừa rắn cắn, bác sĩ Hiếu khuyên người dân cần thường xuyên phát quang bụi rậm quanh nhà, không để các cây, vật dụng, lu hủ đã không còn sử dụng gần nhà.
Nếu nhà có vườn thì nên trồng cây sả để xua đuổi rắn. Người dân khi đi ruộng nên mang ủng cao dưới đầu gối, mặc áo dài tay và áo dầy, áo có cổ để đề phòng rắn cắn.
Khi tiếp xúc với các cây củi, ván, vật dụng bỏ lâu ngày nên dùng 1 thanh cây dài gõ, lay động xem có rắn không. Ta khó xác định được rắn nào độc hay không độc nên tốt nhất không dùng tay bắt rắn.
Theo BVĐK Đồng Tháp, từ cuối năm 2014, Ban Giám đốc BV đã ban hành phát đồ chuyên điều trị rắn độc cắn (rắn hổ, rắn lục…), dự trữ đầy đủ huyết thanh điều trị cho bệnh nhân bị các loại rắn thường gặp cắn. Bên cạnh đó, bệnh viện đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn điều trị rắn cắn, trong đó có các lớp mời chuyên gia y tế đầu ngành về điều trị rắn tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ của BV và các BV tuyến huyện, BVĐK trong tỉnh.