Đồng Nai quyết tâm trả món “nợ” nhà ở xã hội cho công nhân

GD&TĐ - Dự tính đến năm 2025, Đồng Nai sẽ thu hút thêm khoảng 450.000 người lao động, nên nhu cầu về nhà ở xã hội tiếp tục tăng cao, tạo sức ép rất lớn đối với trách nhiệm chính quyền địa phương.

Từ áp lực nhà trọ, nhiều công nhân đã rời Đồng Nai về quê.
Từ áp lực nhà trọ, nhiều công nhân đã rời Đồng Nai về quê.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có tới gần 1,2 triệu công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đang thiếu hụt tới hơn 200.000 căn nhà ở xã hội giá rẻ cho người lao động thuê, mua.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đang có đợt khảo sát nhu cầu nhà ở, nhà trọ cho hơn 500 công nhân tại 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung khảo sát gồm: Nhà trọ, đời sống, tiền lương, thu nhập, thực trạng nhà ở hiện này và nhu cầu về nhà ở của người lao động.

Từ kết quả khảo sát, Liên đoàn Lao động sẽ có cơ sở đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về một số giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư xây dựng chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người lao động; có chính sách về nhà ở cho công nhân thuê hoặc thuê mua phù hợp với nhu cầu thực tế của công nhân. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền nhà ở cho người lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng sẽ căn cứ vào cơ sở khảo sát để tham gia xây dựng chính sách về nhà ở cho công nhân và chỉ đạo các cấp Công đoàn xây dựng các tổ tự quản của Công đoàn tại các khu nhà trọ công nhân văn minh, sạch đẹp, an toàn.

Sẽ không còn cảnh công nhân đồng loạt hồi hương nếu Đồng Nai giải được bài toán nhà ở cho công nhân.

Sẽ không còn cảnh công nhân đồng loạt hồi hương nếu Đồng Nai giải được bài toán nhà ở cho công nhân.

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai hiện có tới gần 1,2 triệu công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hơn 600.000 người trong số này (đa số là lao động ngoại tỉnh) làm việc tại các Khu công nghiệp tập trung. Phần lớn người lao động sống trong các khu nhà trọ san sát, chật trội, ẩm thấp, mất vệ sinh.

Toàn tỉnh có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê trọ tập trung với hơn 150 ngàn phòng, đáp ứng cho 450.000 người lao động thuê ở. Mỗi phòng từ 12-14m2, có 4-6 người sinh sống. Các nhà trọ tạm bợ, giá thuê rẻ thường không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu về phòng, chống cháy nổ, môi trường, an ninh trật tự.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đợt thứ 4 bùng phát dữ dội vừa qua, người lao động phải tự cách ly suốt mấy tháng liền trong nhà trọ thiếu thốn tứ bề, nguy cơ lây lan dịch rất cao. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc hàng chục nghìn công nhân bất chấp hiểm nguy, lội ngược dòng hàng ngàn km về quê tránh dịch trên những chiếc xe máy cà tàng, khiến dư luận xót xa, thương cảm.

Có được căn nhà nho nhỏ của riêng mình là giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của đông đảo công nhân xa quê. Nhu cầu nhà ở phù hợp với túi tiền của người lao động thu nhập thấp rất lớn và là vấn đề bức thiết lâu nay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt tới hơn 200.000 căn nhà ở xã hội giá rẻ cho người lao động thuê, mua. Đây là con số khổng lồ, tạo áp lực rất lớn lên chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp ở Đồng Nai.

Dự tính đến năm 2025, nơi đây sẽ có một số KCN thành lập mới, đưa vào hoạt động, thu hút thêm khoảng 450.000 người lao động.

Dự tính đến năm 2025, nơi đây sẽ có một số KCN thành lập mới, đưa vào hoạt động, thu hút thêm khoảng 450.000 người lao động.

Để giúp người lao động ổn định cuộc sống lâu dài, tỉnh Đồng Nai có chính sách ưu tiên, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện dự án bất động sản cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chỉ như muối bỏ biển, khi kết quả đạt mới chỉ hơn 10%.

Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 30/7/2021 cũng đã thông qua nghị quyết về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với việc đầu tư nhà ở cho công nhân, Đồng Nai sẽ rà soát, lựa chọn quỹ đất công để phát triển nhà ở xã hội, điều chỉnh quy hoạch KCN để dành diện tích phát triển nhà ở và thiết chế xã hội, Công đoàn cho công nhân.
Đối với những KCN mới thì bắt buộc phải gắn với việc xây dựng nhà ở và các thiết chế Công đoàn cho người lao động.

Thông tin từ Sở Xây dựng Đồng Nai, giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội với gần 1.600 căn nhà dành cho công nhân. Hiện, Đồng Nai đang triển khai 13 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 59 ha đáp ứng gần 8.200 căn nhà, riêng nhà ở xã hội cho công nhân có 3 dự án với diện tích 22 ha và gần 2.900 căn.

Dự kiến sang năm 2022, tỉnh sẽ triển khai thêm 9 dự án nhà ở xã hội với khoảng 6.000 căn thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có những động thái quyết liệt hơn để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động.

Đáng chú ý, để tăng thêm số lượng nhà ở cho công nhân lao động, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ giải quyết việc tỉnh xin chuyển đổi 132 ha đất thương mại dịch vụ trong khu công nghiệp đang bỏ trống sang đất xây dựng nhà ở xã hội có đường riêng, kết nối ra khu đô thị bên ngoài để đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết cho người lao động.

Bên cạnh kiến nghị Trung ương tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về cơ chế, chính sách, tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho từng địa phương tính toán lại cách làm nhằm thực hiện quy định các địa phương có khu công nghiệp phải đầu tư 2-3 khu nhà ở xã hội.

Trong một bước đi liên quan, Sở Xây dựng Đồng Nai đang hoàn thiện quy định sớm trình Ban thường vụ, Ban chấp hành ra nghị quyết, để buộc cả hệ thống chính trị cùng bắt tay vào giải quyết vấn đề chiến lược, bức xúc này

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.