Đồng minh không 'đồng lòng'

GD&TĐ - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là quốc khách đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chỉ chưa đầy 100 ngày ông Trump trở lại cầm quyền, ông Netanyahu đã được mời sang Mỹ hai lần.

Giữa Mỹ và Israel có mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống thuộc diện gắn bó và tin cậy nhất, lâu dài và toàn diện nhất. Israel lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ về an ninh. Mức độ này thêm tăng bởi Israel hiện vẫn sa lầy trong cuộc chiến tranh với Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, phe phiến quân người Houthi ở Yemen.

Xung khắc và đối địch giữa Israel và Iran cũng đã thêm quyết liệt. Ngoài ra, cuộc đối địch giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã bắt đầu định hình rõ nét và diễn biến theo chiều hướng gia tăng mức độ không khoan nhượng. Cho nên không có gì là khó hiểu khi ông Netanyahu kỳ vọng rất nhiều ở lần gặp thứ hai này với ông Trump.

Sau cuộc gặp, Thủ tướng Israel biểu lộ hài lòng và đánh giá cuộc gặp thành công. Nhưng giới truyền thông ở Mỹ và Israel lại cho rằng ông Netanyahu ra về tay không, không được nghe từ ông Trump những gì muốn nghe, không được Mỹ đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với Israel. Xem ra, mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống này giờ không còn được như trước nữa.

Có thể thấy trạng thái mới này trong mối quan hệ giữa Mỹ và Israel trên những phương diện sau:

Thứ nhất, chính quyền của ông Trump tuy vẫn khẳng định sự hậu thuẫn quân sự và an ninh cho Israel, song đã biểu lộ công khai thái độ không hài lòng khi Israel tái khởi động cuộc chiến tranh với Hamas ở Dải Gaza và leo thang đối địch Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Tổng thống Mỹ đang muốn gây dựng cho mình hình ảnh là người mang đến hòa bình chứ không phải khích lệ chiến tranh mà trước hết là chấm dứt cuộc chiến tranh ở Dải Gaza cũng như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Ông Trump nhiều lần đề cập với ông Netanyahu về thực tế Mỹ từ nhiều năm nay viện trợ quân sự hàng năm 4 tỷ USD cho Israel. Điều đó muốn Israel hiểu rằng Mỹ đổ nhiều tiền của suốt thời gian dài như thế để Israel muốn tiến hành chiến tranh hay xung khắc quân sự với ai, ở đâu và kéo dài bao nhiêu lâu cũng được. Tuy nhiên, ông Netanyahu ở lần đi Mỹ này đã không nhận được sự biểu lộ công khai từ phía Mỹ về sự hậu thuẫn dành cho những gì Israel đang làm với Hamas và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, Tổng thống Mỹ chưa có bất kỳ nhượng bộ nào cho ông Netanyahu trong vấn đề áp thuế quan bảo hộ thương mại. Trước ngày ông Trump áp thuế quan đối ứng với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại trên thế giới, ông Netanyahu đã giảm thuế quan đối với tất cả hàng hóa của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Israel xuống còn 0%. Bên cạnh đó, Thủ tướng Israel là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Mỹ để đàm phán về thuế quan. Nhưng Mỹ vẫn không thay đổi mức thuế quan 17% đối với Israel.

Thứ ba, Israel và Iran coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Vậy mà ông Trump khi gặp lại ông Netanyahu đã trực tiếp thông báo là Mỹ và Iran sẽ lần đầu tiên sau hơn 10 năm đàm phán trực tiếp về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.

Vậy nên, đồng minh không còn được như trước nữa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TS.BS Bùi Thanh Phúc thăm khám cho bệnh nhân trước phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Trầm cảm do nặng 102kg

GD&TĐ - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận cô gái 28 tuổi (Hưng Yên) nặng 102kg. Bệnh nhân rơi vào trầm cảm nặng vì những lời kỳ thị ngoại hình.