Động lực nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu về số lượng và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh mũi nhọn.

Thầy cô, gia đình và bạn bè đón Đặng Tuấn Anh - học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đoạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2024. Ảnh: Vân Anh
Thầy cô, gia đình và bạn bè đón Đặng Tuấn Anh - học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đoạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2024. Ảnh: Vân Anh

Dự thảo nghị quyết quy định mức thưởng đối với giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế của Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh và nhà trường.

Mức thưởng còn khiêm tốn

Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu về số lượng và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh mũi nhọn. Tuy nhiên, so với nhiều nơi khác, mức thưởng dành cho học sinh giỏi của Hà Nội còn khiêm tốn, chưa tạo động lực phấn đấu cho người dạy và người học.

Cụ thể, thành phố đang áp dụng mức thưởng cho học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế là 20 triệu đồng; giáo viên có thành tích trong công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng học sinh đoạt giải có mức thưởng bằng 1 lần mức lương cơ sở. Tương tự, với giải Nhất học sinh giỏi quốc gia, mức thưởng là vài triệu đồng.

Trong khi đó, tại một số địa phương khác, mức thưởng học sinh giỏi rất cao. Đơn cử, Quảng Ninh chi thưởng 700 triệu đồng cho học sinh giành Huy chương Vàng Olympic quốc tế; tiếp đó là Hải Phòng, Bắc Ninh với mức thưởng 500 triệu đồng, Vĩnh Phúc thưởng 400 triệu đồng. Nhiều tỉnh, thành phố khác có mức thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng.

Với các kỳ thi cấp quốc gia, Kiên Giang dẫn đầu với mức thưởng 100 triệu đồng cho giải Nhất; tiếp đó là Quảng Nam với 65 triệu. Nhiều nơi chi 40 - 50 triệu đồng như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...

Tại dự thảo nghị quyết quy định mức thưởng đối với giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế của Hà Nội, học sinh đoạt Huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế và tương đương sẽ được nhận mức thưởng 250 triệu đồng. Học sinh giành Huy chương Bạc, Đồng, giải Khuyến khích sẽ nhận mức thưởng lần lượt là 200 triệu, 150 triệu và 100 triệu đồng.

Với học sinh đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, mức thưởng là 50 triệu đồng cho giải Nhất, 40 triệu đồng cho giải Nhì, 30 triệu đồng cho giải Ba, 20 triệu đồng cho giải Khuyến khích. Với học sinh đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, mức thưởng là 10 triệu đồng đối với cấp THCS, 15 triệu đồng đối với cấp THPT.

Thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) bày tỏ: Để có học sinh đạt giải quốc gia rất khó với một trường không chuyên ở ngoại thành. Bên cạnh năng lực của học sinh, việc phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng của các thầy cô trong trường rất quan trọng, cần đầu tư nhiều công sức và cả kinh phí.

Hiện, mức thưởng cho học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia của Hà Nội thấp hơn nhiều so với các địa phương khác. Quá trình bồi dưỡng của thầy cô vất vả nhưng mức thưởng chưa tương xứng nên phần nào chưa tạo nhiều động lực.

Dong luc nang cao chat luong giao dục mui nhon (2).JPG
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong giờ học.

Tăng động lực

Đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế, Nguyễn Mạnh Quân - học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bày tỏ niềm tự hào khi mang những tấm huy chương, phần thưởng về cho thành phố. Tuy nhiên em cũng không khỏi “chạnh lòng” khi các bạn trong đội tuyển đến từ địa phương khác có phần thưởng lớn hơn rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hồng, phụ huynh có con từng đoạt Huy chương Bạc Olympic quốc tế chia sẻ: Sau khi đạt thành tích tại kỳ thi, con chị được trao tặng bằng khen và mức thưởng bằng một tháng lương cơ bản (1,8 triệu đồng). Do vậy, khi đọc thông tin về mức thưởng mới cho học sinh giỏi của thành phố, chị Hồng rất đồng tình.

“Dù rất vinh dự, tự hào khi được nhận sự động viên từ thành phố nhưng không tránh khỏi chạnh lòng khi so sánh với mức thưởng của các địa phương khác. Nếu mức thưởng dành cho học sinh giỏi tại Hà Nội tăng lên sẽ là niềm vui, động lực rất lớn đối với học sinh và phụ huynh”, chị Hồng nói.

Còn chị Lê Thu Hằng - phụ huynh có con từng đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bày tỏ: Để có được thành tích tại các kỳ thi, học sinh phải trải qua thời gian dài học tập, ôn luyện. Ngoài công sức của con, thầy cô thì sự đầu tư vật chất của gia đình cũng rất lớn. Nếu Hà Nội tăng mức tiền thưởng dành cho học sinh giỏi các cấp sẽ tạo sự khích lệ cho cả thầy trò và gia đình.

Cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất tăng mức thưởng nêu trên và cho rằng, mức thưởng đó là phù hợp, đúng hướng, mang giá trị lớn, tạo động lực không chỉ cho học sinh, phụ huynh mà còn cho thầy cô và nhà trường.

Không những vậy, mức chi thưởng cao cũng góp phần khuyến khích phong trào học tập, nâng cao thành tích mũi nhọn và chất lượng đội ngũ; giữ chân giáo viên giỏi, học sinh giỏi theo dạy và học tại các trường thuộc Hà Nội; đẩy mạnh chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Mức khen thưởng học sinh giỏi của Hà Nội là vấn đề được ngành GD-ĐT Hà Nội trăn trở nhiều năm qua. Trên cơ sở thực tế cùng nguyện vọng, đề xuất của học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình HĐND thành phố nghị quyết về quy chế khen thưởng học sinh giỏi của Thủ đô.

Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn mức khen thưởng dành cho những học sinh đoạt giải tại các kỳ thi sẽ thỏa đáng hơn. Cùng đó, giáo viên có thành tích hướng dẫn học sinh đoạt giải cũng được nhận phần thưởng tương xứng. Điều này sẽ góp phần tích cực trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

GD&TĐ - Không phải khi độc thân, cũng chẳng phải lúc thất tình… Phụ nữ cô đơn nhất chính là khi ở trong một mái nhà mà không tìm được cảm giác ấm áp.