Đóng góp ý kiến vào Dự thảo chế độ phụ cấp thâm niên

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo chế độ phụ cấp thâm niên
Trân trọng tất cả các ý kiến đóng góp xây dựng cho Dự thảo, GD&TĐ Online xin giới thiệu Bài viết của Tác giả Bùi Quốc Khải (Phòng GD& ĐT Tháp Mười, Đồng Tháp) góp ý cho 02 Dự thảo trên, đồng thời đăng tải các Ý kiến tham gia góp ý về nội dung liên quan.

- Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
- Dự thảo Quyết định quy định bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.

Rõ ràng, việc Chính phủ giao Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ có liên quan (Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính) xây dựng dự thảo các văn bản nêu trên là một trong những việc làm thiết thực, cụ thể hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cụ thể hóa quan điểm “ Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung Dự thảo 02 văn bản trên, bản thân tôi thấy vẫn còn có một số bất cập nên mạnh dạn nêu ra để Bộ GD&ĐT và các Bộ có liên quan xem xét giải quyết:

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

1. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định ghi rõ:
“ Nghị định này quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với:

1. Nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục ở nhà trường và các cơ sở giáo dục công lập khác (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập), đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

2. Nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục tại phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ ở các cơ sở giáo dục công lập và làm công tác quản lý, tham mưu, chỉ đạo về giáo dục, dạy nghề ở cơ quan trung ương và địa phương.

3. Nhà giáo đã  chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sau ngày 31 tháng 3 năm 1993”
Việc quy định đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên như trên là rõ ràng nhưng chưa tính đến các trường hợp sau:

- Nhà giáo đã có đủ 60 tháng liên tục giảng dạy hoặc làm công tác quản lý tại các phòng, ban chuyên môn (Tổ chuyên môn Phòng GD&ĐT hoặc các Phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT), sau đó do yêu cầu công tác được điều động sang công tác hành chính, tổ chức… chưa được quy định có được hưởng hay không? Nếu đối tượng này không được hưởng thì quả là rất thiệt thòi cho họ vì ngay như các nhà giáo chuyển công tác ra ngoài ngành  hoặc nghỉ hưu sau ngày 31 tháng 3 năm 1993 vẫn được hưởng thì tại sao những nhà giáo đang công tác trong ngành, chấp hành nghiêm túc sự phân công của tổ chức lại không được hưởng ? Đề nghị các Bộ có liên quan xem xét và đề nghị cho đối tượng này được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo thực tế số năm mà họ đã trực tiếp giảng dạy hoặc làm công tác quản lý ở tổ chuyên môn thuộc Phòng, Phòng chuyên môn thuộc Sở (với điều kiện phải giảng dạy 60 tháng trở lên).

- Hiện nay, Công đoàn Giáo dục huyện hay tỉnh tuy biên chế trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện hoặc tỉnh nhưng những người làm công tác chuyên trách Công đoàn ở ngành giáo dục đa số đều là nhà giáo được điều động sang. Tuy nhiên, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Dự thảo lại chưa đề cập đến lực lượng này. Các công chức làm cán bộ chuyên trách Công đoàn Giáo dục đều đang hưởng lương ngạch, bậc như của công chức đang làm công tác quản lý ở Phòng, Sở. Trong khi chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ Công đoàn chưa có, nếu những nhà giáo này không được hưởng phụ cấp thâm niên cũng rất thiệt thòi. Tuy là cán bộ Công đoàn nhưng những nhà giáo này đều tham gia hầu hết các hoạt động quản lý của ngành giáo dục – nhất là ở cơ sở. Đề nghị xem xét cho cán bộ chuyên trách Công đoàn Giáo dục (nếu có đủ 60 tháng trực tiếp giảng dạy hoặc làm công tác quản lý giáo dục) được hưởng phụ cấp thâm niên như các đối tượng đã được quy định tại khoản 2, Điều 1 của Dự thảo Nghị định.

2. Bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.

Đây chính là một trong những trăn trở, bức xúc của các cấp quản lý giáo dục từ Sở đến Phòng vì rất khó khăn khi điều động nhà giáo, cán bộ quản lý giỏi từ các  đơn vị cơ sở về làm công tác quản lý giáo dục. Việc có chế độ bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục sẽ có tác dụng tích cực, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những “ đầu máy” của giáo dục.

Tuy nhiên, về đối tượng hưởng cũng cần phải xem xét lại, theo khoản 1, Điều 2 của Dự thảo Quyết định phần nói về điều kiện được hưởng có ghi rõ:

Điều kiện được hưởng

Đối tượng quy định tại  Điều 1 Quyết định này, được hưởng bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi khi có đủ các điều kiện sau:

a) Đã được hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại: Quyết định số 779 -TTg ngày 01 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập của Nhà nước; Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; Điều 5, Điều 7 Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Điều 5, Điều 7 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Đang làm công tác quản lý giáo dục tại sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo”.
Điểm b là rất rõ ràng và không có gì để bàn tiếp, nhưng còn khoản a lại chưa tính đến trường hợp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được điều động về Sở, về Phòng trước thời điểm mà chế độ phụ cấp ưu đãi chưa được thực hiện (tháng 12/1995). Số lượng nhà giáo, cán bộ quản lý được điều động về Phòng, Sở GD&ĐT từ tháng 12/1995 trở về trước mà hiện nay vẫn còn đang công tác – trong đó cấp Trưởng, Phó phòng; Giám đốc, Phó Giám đốc Sở -  chắc chắn không phải là ít. Vậy, những người này không đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục cũng là chuyện phải bàn và xem xét giải quyết sao cho thấu tình đạt lý.

Về lý thì việc anh không hưởng phụ cấp ưu đãi thì không được hưởng chế độ bảo lưu là đúng. Nhưng về lý thì chả lẽ anh về Sở, về Phòng từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, lúc mà ngành giáo dục còn bộn bề khó khăn lại không xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ ngang bằng với những anh về sau hàng 10-15 năm ? Chắc chắn sẽ có trường hợp Thủ trưởng không được bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục vì …tội về Phòng hoặc Sở trước tháng 12/1995 (!). Trong khi đó, một chuyên viên tốt nghiệp sư phạm ra trường khoảng năm 1990 - 1994, dạy đến đầu năm 1996 được điều động về Phòng hoặc Sở thì đương nhiên đủ điều kiện để được hưởng bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục (?).

Rõ ràng bất cập là có nhưng giải quyết thế nào lại là việc khác. Không thể bổ sung điều kiện được hưởng bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục cho những người về Phòng hay Sở trước tháng 12/1995 được vì họ làm gì có phụ cấp ưu đãi mà bổ sung. Nhưng nếu mặc nhiên  cứ ai đủ điều kiện thì hưởng, không đủ điều kiện thì thôi cũng rất thiệt thòi cho những người đi trước.

Theo tính toán của Ban soạn thảo thuộc Bộ GD& ĐT thì số lượng nhà giáo đang công tác ở Bộ, Sở và Phòng GD&ĐT(tháng 6/2010) là khoảng 16.600 người. Cứ tạm tính là 50% trong số họ được điều động trước khi chế độ phụ cấp ưu đãi ra đời (12/1995) thì con số vào khoảng 8.300 người. Dự thảo quy định các mức được hưởng lần lượt là 25% (Sở), 30% (PGD vùng đồng bằng) và 35% (Phòng GD vùng sâu). Chúng tôi lấy mức trung bình 30% để tính.

Nếu cho 8.300 người chưa đủ điều kiện được hưởng một khoản trợ cấp tương đương với mức bảo lưu của 8.300 người thì số tiền cần chi như sau:
- Mức lương bình quân để tính: hệ số 3,99.
- Phụ cấp bình quân: 0,5
- Số tiền phải chi (theo mức lương tối thiểu 730.000 đ): 8.300 người x 4,5 (làm tròn) x 730.000 x 30% x 36 tháng  =  294,5 tỷ đồng.

Như vậy, mỗi năm cả nước chỉ chi không tới 100 tỷ đồng cho đối tượng về Phòng và Sở trước tháng 12/1995. Số tiền không quá lớn so với Ngân sách Nhà nước.

Đề nghị Bộ GD&ĐT và các Bộ liên quan xem xét trình Chính phủ trợ cấp cho đối tượng này bằng mức và thời gian như đối tượng được hưởng chế độ bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục. Chế độ trợ cấp này cũng tương tự như chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30/4/1975 trở về trước có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg .

Kinh phí chi không quá lớn nhưng đây là sự trân trọng, đánh giá đúng công sức đóng góp của đội ngũ nhà giáo được điều động về Phòng, Sở GD&ĐT trước năm 1996. Rất mong các cấp quản lý xem xét giải quyết một cách thấu tình đạt lý.

Bùi Quốc Khải

Phòng GD& ĐT Tháp Mười, Đồng Tháp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ