Dòng chảy phim ngôn tình chuyển thể có “giết chết” TVB?
Theo dõi báo trên
Sự thắng thế của dòng phim ngôn tình chuyển thể do Trung Quốc sản xuất khiến thị phần khán giả tại châu Á của TVB bị thu hẹp đáng kể.
Những năm gần đây, trào lưu phim ngôn tình chuyển thể ngày càng lớn mạnh. Chỉ tính từ 2014 – 2015, 90% phim truyền hình phát sóng tại Trung Quốc đã có nội dung được chuyển thể từ các tiểu thuyết, truyện ngắn lấy cảm hứng ngôn tình.
Lý do các nhà sản xuất bỏ số tiền lớn ra mua bản quyền tiểu thuyết rồi làm lại kịch bản phim cũng có phần dễ hiểu, vì hầu hết tiểu thuyết ngôn tình đã có nội dung hấp dẫn, lại có sẵn lượng fan trung thành.
Thế nên khi làm thành phim, những dự án này hiển nhiên thắng lợi bước đầu trong khâu quảng bá. Ví như trường hợp công ty Vu Chính sản xuất phim Vân Trung Ca, không cần nói quá nhiều về kịch bản, khán giả màn ảnh nhỏ cũng tự “săn lùng” nội dung phim.
Và rằng, Vân Trung Ca vốn là tiểu thuyết ngôn tình ăn khách nên khán giả bỗng dưng có tâm lý mong chờ phim, các đơn vị quảng cáo cũng vì thế mà tìm đến một cách sôi nổi hơn.
Dàn diễn viên TVB trong buổi lễ thắp đèn truyền thống
Sự thắng thế của dòng phim ngôn tình không dừng lại ở Trung Quốc. Hầu hết những dự án đình đám như Bên nhau trọn đời, Người tình kim cương, Hoa Thiên Cốt, Vẫn cứ thích em, Sam Sam đến rồi, Vân Trung Ca, Thái tử phi thăng chức ký… đều có sức ảnh hưởng tại các thị trường phim Hàn Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Malaysia, Singapore…
Chính điều này vô hình chung làm cho đế chế phim truyền hình dành cho gia đình của TVB bị đe đọa. Giữa sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà sản xuất có tư duy tươi trẻ, cỗ máy già cỗi gần 50 năm của TVB bị đặt trong tình cảnh khắt khe: Một là chịu thay đổi, hai là chấp nhận thụt lùi, chờ ngày sụp đổ.
Phim "Hoa thiên cốt"...
....và phim "Bên nhau trọn đời" là những dự án ngôn tình chuyển thể đình đám của Trung Quốc
TVB đã ở đâu và làm gì?
Còn nhớ giai đoạn 2011 – 2012, TVB lâm vào cuộc khủng hoảng lịch sử khi hàng loạt diễn viên gạo cội như Lâm Bảo Di, Xa Thi Mạn , Mã Tuấn Vỹ, Trần Kiện Phong , Lâm Văn Long, Quách Khả Doanh, Trịnh Gia Dĩnh … lần lượt rời khỏi nhà đài.
Nhiều lý do đã được đưa ra trong thời điểm đó, tuy nhiên sâu xa và cốt lõi vẫn là chế độ lương thưởng bất hợp lý, làm nhiều, kiếm lợi nhuận lớn nhưng điều kiện quay phim, ăn ở lại không tương xứng.
Diễn viên giỏi ra đi đồng nghĩa với việc TVB phải nhanh chóng tìm người trẻ thay thế. Và cách giải quyết của nhà đài là đẩy dàn thí sinh từ cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông lên các tuyến vai chính, vai thứ chính.
Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra thời điểm đó. Bởi, tuy có ngoại hình đẹp nhưng diễn xuất của lớp người đẹp này lại chưa thuyết phục. Nhiều người chỉ có một biểu cảm duy nhất, khóc cũng như cười, gương mặt cứng đơ như tượng sáp.
Trịnh Gia Dĩnh
Xa Thi Mạn
Sự sa sút của TVB càng thêm nghiêm trọng khi giới truyền thông Hoa ngữ đồng loạt vào mổ xẻ nguyên nhân. Cổ phiếu của nhà đài cũng vì thế mà sụt giảm nghiêm trọng.
Kết quả là đến đầu năm 2015, cuộc thay máu dàn lãnh đạo cấp cao đã diễn ra. Chủ tịch TVB Lương Nãi Bằng về hưu, cổ đông lớn nhất TVB Trần Quốc Cường lên nắm quyền.
Từ thời điểm này, nội bộ TVB tiếp tục xáo trộn, hầu hết các diễn viên được “sủng ái” ở chế độ cũ là Ngô Trác Hy, Hồ Hạnh Nhi, Từ Tử San, Mã Quốc Minh… bị dồn vào thế bí. Nói như các bộ phim hậu cung TVB vẫn thường sản xuất là các diễn viên này bị đẩy vào… “lãnh cung”.
Đã có thời điểm, người hâm mộ hoàn toàn mất lòng tin vào TVB khi loạt phim truyền hình nhà đài sản xuất không còn đạt chất lượng như trước nữa.
Kịch bản nhạt nhòa, chắp vá; diễn viên diễn xuất đều đều, kém sức hút; cảnh quay xưa cũ, bối cảnh nghèo nàn lặp đi lặp lại từ phim này sang phim khác, rating TVB xuống thấp nhất trong năm 2014, khi bộ phim được kỳ vọng bậc nhất là Thâm cung nội chiến 2 trở thành mớ hỗn độn với scandal nói xấu ekip sản xuất của nữ chính Đặng Tụy Văn.
Đặng Tụy Văn từng gây ra ồn ào khi đóng phim "Thâm cung nội chiến 2"
Cùng với đó, dòng phim ngôn tình từ Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng. Thị phần trên màn ảnh nhỏ vốn vững chắc của TVB bất ngờ bị xẻ đôi.
Nhiều khán giả bỏ phim TVB để chuyển sang phim ngôn tình Trung Quốc. Lượng khán giả trẻ vốn từ trước không xem phim TVB nay lại càng “cạch mặt” nhà đài.
Những dấu hiệu thay đổi khả quan
Giữa lúc khán giả những tưởng TVB sẽ chịu cảnh ế ẩm về chiều và kết thúc đế chế một thời huy hoàng giống như ATV thì nhà đài lại có những dấu hiệu khả quan đáng mong chờ. Từ cuối năm 2015, các phim truyền hình TVB sản xuất đều có sự thay đổi ấn tượng.
Tuy không còn dàn diễn viên đình đám đảm bảo rating nhưng bù lại, những cái tên mới như Tiêu Chính Nam, Trần Triển Bằng , Hồng Vĩnh Thành, Huỳnh Thúy Như, Diêu Tử Linh, Lâm Hạ Vy, Trần Khải Lâm , Thái Tư Bối, Cao Hải Ninh… lại trỗi lên mạnh mẽ.
Em gái Lâm Phong – Lâm Hạ Vy mang đến nét diễn tự nhiên, Tiêu Chính Nam làm gợi nhớ hình ảnh Huỳnh Tông Trạch những ngày đầu mới vào nghề còn Trần Triển Bằng lại là phiên bản kết hợp hoàn hảo giữa Trịnh Gia Dĩnh và Lê Diệu Tường, không chỉ diễn tốt mà còn điển trai, cuốn hút khán giả.
Trần Khải Lâm
Lâm Hạ Vy
Trần Triển Bằng
Cùng với đó, TVB cũng có cách ứng biến ôn hòa với những diễn viên gạo cội. Lê Diệu Tường , Điền Nhụy Ni, Hồ Định Hân , Trần Hào, Âu Dương Chấn Hoa, Vạn Ỷ Văn, Trần Vỹ… được trao những vai diễn có chiều sâu.
Đành rằng, so về nhan sắc, dàn diễn viên gạo cội không long lanh như các sao trẻ nhưng bù lại, diễn xuất của họ chín chắn, đủ để níu giữ khán giả lưu lại màn ảnh nhỏ.
Hồ Định Hân
Trong năm 2015 đã có 16 phim truyền hình lên sóng là Đông Pha Gia Sự, Vô Song Phổ, Trương Bảo Tử, Thiện nữ lạc hồn, Bước cùng em, Đường đích chiến thắng, Chơi với ma, Chuyện 4 nàng luật sư, Quý cô quyền lực, Triều bái Võ Đang, Sự chuyển mình hoa lệ, Nghịch chiến đường Tây, Dĩ hòa vi quý, Thiên nhãn, Nô lệ nhà ở và Kiêu hùng.
Xét qua kịch bản, tất cả các bộ phim đều thay đổi phù hợp với sự chuyển mình của thời đại hơn. Các tình tiết liên quan đến công nghệ thông tin, xu hướng sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ cũng được cập nhật.
Tuy rating các bộ phim chưa biến động quá lớn nhưng nhìn chung khán giả cũng có cái nhìn tích cực hơn khi theo dõi những tác phẩm này.
Phim truyền hình "Vô song phổ" có sự góp mặt của Huỳnh Tông Trạch, Sầm Lệ Hương
Trong 2 tháng đầu năm 2016, TVB lại làm người xem bất ngờ khi tung ra Chuỗi thức ăn tình yêu, Đao kiếm vô tình, Thiết mã gặp chiến xa. Tuy cả ba dự án đều không có diễn viên nổi tiếng tham gia nhưng bù lại nội dung xây dựng khá chắc chắn.
Những diễn viên luôn bị gắn mác “trai xấu”, “gái xấu” như Huỳnh Đức Bân, Nguyễn Tiểu Nghi có sự lột xác khá ấn tượng. Họ không chỉ làm tròn vai diễn mà còn mang đến cho khán giả niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho TVB khi dòng chảy phim ngôn tình Trung Quốc vẫn đang thắng thế.
Phim "Thiết mã gặp chiến xa"
Phim "Đao kiếm lưu tình"
Gần 50 năm xây dựng một đế chế truyền hình, TVB đến giờ vẫn “còn sống”, chỉ là cách sống không rực rỡ, hào nhoáng như những ngày đầu.
Một cách khách quan, phim TVB sản xuất luôn có đối tượng của nó. Những khán giả trẻ, yêu thích tình tiết lãng mạn kiểu ngôn tình sẽ khó lòng thích nghi với mạch phim nhanh gọn, tình tiết gấp khúc, đan xen nhau của TVB. Nhưng bù lại, với những khán giả là phụ nữ trung niên hay người già thì lại dành cho phim TVB những cái nhìn thiện cảm.
Dù vậy, khi thị trường giải trí ngày một cạnh tranh khốc liệt hơn, thị hiếu người xem cũng vì thế mà thay đổi từng ngày. TVB cần có những bước đi vững chắc để không bị thụt lại.
Vừa mới le lói điểm sáng trong cuối năm 2015 đến nay, không có nghĩa là TVB đã có vị trí an toàn. Để khán giả ngày một tin yêu nhà đài, sẽ là không thừa khi TVB chịu quan tâm đến thị hiếu khán giả hơn.
Và biết đâu, một lời gợi ý cho TVB kết hợp các tình tiết ngôn tình, lãng mạn vào các dự án nhà đài sản xuất sẽ làm nên hướng đi tích cực hơn?
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.
GD&TĐ - 17 gắn bó với trẻ mầm non ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, cô Loan luôn tâm niệm trẻ cần có sự yêu thương, chăm sóc cẩn thận để ươm mầm non tương lai.