Dòng chảy FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam

GD&TĐ - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút vốn đầu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018. Theo đó, hai tháng qua tổng FDI đăng ký vào Việt Nam là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Dòng chảy FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam

Các dự án đầu tư FDI trong hai tháng qua cũng đã giải ngân được 1,7 tỷ USD (tính đến ngày 20/2) bằng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017...

TPHCM đứng đầu về thu hút FDI

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2018, cả nước có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp (DN) với giá trị vốn góp 858,87 triệu USD và 402 góp vốn, mua cổ phần mà NĐT nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 394,5 triệu USD.

Theo lĩnh vực đầu tư, NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐT nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo đối tác đầu tư, có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Theo địa bàn đầu tư, NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố. Trong đó TPHCM là địa phương thu hút nhiều FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 31,27 tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 434 triệu USD, chiếm 12,98% tổng vốn đầu tư. Ninh Thuận đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 253,9 triệu USD chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư... Đây thực sự là một con số ấn tượng về kết quả thu hút FDI trong hai tháng đầu năm 2018.

Không nên thu hút FDI bằng mọi giá

Tuy từ hai tháng đầu năm 2018 thu hút FDI của Việt Nam rất ấn tượng, nhưng theo các chuyên gia chúng ra vẫn cần phải chủ động hơn nữa trong việc thu hút đầu tư, không nên thu hút bằng mọi giá và đặc biệt không nên trao quyền cho các địa phương quá nhiều. Bởi nếu thu hút bằng mọi giá có thể sẽ gây họa cho địa phương.

Theo đó, cần chú trọng thu hút các NĐT nước ngoài thứ cấp có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao trong một số lĩnh vực mà DN trong nước còn yếu và thiếu. Ngoài ra, Chính phủ cần cương quyết trong trường hợp FDI không đạt yêu cầu, Nhà nước phải có biện pháp chủ động của mình. Chẳng hạn như đóng cửa DN FDI đó, không thực hiện cam kết phải có sự trừng phạt cương quyết hơn nữa. Đồng thời trong năm 2018 cần có cách nhìn khác về thu hút FDI, không phải là bác bỏ, loại bỏ các DN FDI mà là vấn đề cần thay đổi chiến lược thu hút. Bởi không thể dựa mãi vào thu hút đầu tư FDI ồ ạt, đại trà. Không để tình trạng ai vào cũng chấp nhận. Cần chấm dứt tình trạng thu hút FDI với ưu đãi kéo dài hàng chục năm; thu hút để lập thành tích, để lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi giá...

Các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng khung chính sách FDI, coi nhiệm vụ tăng năng lực của khu vực DN trong nước, đặc biệt DN tư nhân là một cấu thành quan trọng của chính sách FDI. Định hướng thu hút FDI cần chọn lọc, trong đó cần mở ra cơ hội cho DN trong nước tham gia chuỗi giá trị của ngành/DN FDI và có bước chuẩn bị trước để đón nhận chủ động. Có thể coi cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị này là điều kiện để thu hút FDI. Bên cạnh đó cần rà soát, tái cấu trúc các chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhằm tăng năng lực cạnh tranh và tạo dựng liên kết sản xuất với khu vực FDI; tập trung vào năng lực công nghệ; đào tạo nhân lực; năng lực thực thi hợp đồng; năng lực quản lý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế…

Một số dự án lớn được cấp phép trong 2 tháng qua: Dự án Nhà máy điện gió Hanbaram với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Singapore đầu tư tại Ninh Thuận với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo; Dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology, cấp phép năm 2016 với mục tiêu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD; Dự án Nhà máy Ykk Hà Nam với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD do Nhật Bản đầu tư với mục tiêu sản xuất các loại khoá kéo, các sản phẩm có liên quan, sản xuất nguyên phụ liệu dùng cho ngành may…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ