Điều này khác năm 2021 với 2 phương thức đăng ký dự thi, xét tuyển bằng phiếu (bản giấy) hoặc đăng ký trực tuyến.
Theo đó, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh tải hồ sơ minh chứng về đối tượng ưu tiên. Tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, năm 2022, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.
Tương tự, Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho biết trong năm 2022, hệ thống trường cao đẳng, trung cấp sẽ tăng cường cách thức tuyển sinh trực tuyến. Thí sinh có thể vào trang web tuyensinh.gdnn.gov.vn hoặc vào app Chọn nghề. Chỉ cần lựa chọn trường, ngành nghề mong muốn và đăng ký ngay trên web hay app này, thông tin của thí sinh sẽ được chuyển tiếp về các trường mà thí sinh muốn xét tuyển, tạo điều kiện tối đa cho các em muốn học khối giáo dục nghề nghiệp.
Không chỉ ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, trong kế hoạch tuyển sinh giáo dục mầm non, phổ thông ở các tỉnh thành năm học 2022 - 2023, nhiều địa phương cũng chủ trương đẩy mạnh thủ tục trực tuyến. Mới đây nhất, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học tới với lưu ý 100% cơ sở giáo dục phải có phương án tuyển sinh trực tuyến.
Đăng ký thi, tuyển sinh trực tuyến được nhiều nhà trường, địa phương tổ chức thực hiện trong vài năm gần đây, nhưng phát triển đặc biệt mạnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tuyển sinh trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh, giảm thủ tục hành chính, chi phí; đồng thời tạo công bằng cho cơ sở giáo dục khi tham gia xét tuyển, giúp giảm thí sinh ảo, tuyển đủ chỉ tiêu, hạn chế tình trạng “chạy trường”. Cách làm này cũng giúp các cơ sở giáo dục đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, tổ chức đăng ký thi, truyển sinh trực tuyến cũng phải đối diện với nhiều vấn đề. Thực tế cho thấy, mỗi khi hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm, thí sinh không thể vào được hệ thống để đăng ký, nghẽn mạng là câu chuyện có thật. Đáng chú ý, một bộ phận phụ huynh, học sinh chưa quen với các phương tiện, công cụ làm việc trực tuyến hoặc thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.
Nếu như các trường đại học có hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến với điện thoại đường dây nóng, website, Facebook, Zalo, YouTube, kết hợp các công nghệ chatbot - trợ lý ảo… thì tuyển sinh trực tuyến ở mầm non, phổ thông vẫn còn “khát” kênh hỗ trợ.
Để công tác đăng ký thi, tuyển sinh trực tuyến thuận lợi, bên cạnh việc xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật tốt, các đơn vị cần chuẩn bị chu đáo, rà soát kỹ lưỡng nhằm bảo đảm quy chế, kỹ thuật. Song song đó, công tác tư vấn, hướng dẫn cho phụ huynh, thí sinh phải được thực hiện hết sức kỹ lưỡng; cần dành một phần kinh phí làm công tác truyền thông tuyển sinh trực tuyến bài bản, có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, năng lực nhân sự. Bởi như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng cảnh báo, chỉ 1% của 1 triệu thí sinh có sai sót trong khâu đăng ký dự thi thôi, cũng sẽ tạo ra lượng công việc rất lớn.