Đồng bộ giải pháp để nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều địa phương đã có giải pháp chỉ đạo thống nhất để duy trì, nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn.

Dạy trực tuyến và trực tiếp phải bảo đảm được yêu cầu chương trình đặt ra. Ảnh minh họa
Dạy trực tuyến và trực tiếp phải bảo đảm được yêu cầu chương trình đặt ra. Ảnh minh họa

Xây dựng kế hoạch, tài liệu ôn tập

Xây dựng kế hoạch ôn tập, tài liệu ôn tập là một trong 4 giải pháp của Sở GD&ĐT Hòa Bình nhằm cải tiến nâng cao chất lượng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022.

Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Các trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT trên địa bàn tỉnh đang đánh giá, rút kinh nghiệm tài liệu ôn tập, công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và bộ sản phẩm các chuyên đề, đề thi tham khảo của sở GD&ĐT (sản phẩm của giáo viên cốt cán, giáo viên các trường xây dựng) để xây dựng kế hoạch, tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, năng lực học tập của học sinh. Tổ nhóm chuyên môn và giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT xây dựng chi tiết nội dung tài liệu ôn tập, hệ thống câu hỏi phân loại rõ từng cấp độ nhận thức: Nhận biết; thông hiểu; vận dụng thấp; vận dụng cao.

Kế hoạch, nội dung tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của nhà trường được hiệu trưởng phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, giám sát, nhận xét, góp ý trong quá trình thực hiện. Sở GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra sẽ tư vấn, hỗ trợ các trường trong xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học lớp 12, xây dựng các giải pháp cải tiến chất lượng trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022…

Cùng với giải pháp này, để cải tiến nâng cao chất lượng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu các nhà trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức đánh giá, xếp loại học sinh; đồng thời lưu ý công tác ôn tập. Trong đó, tổ chức các lớp ôn tập phù hợp theo từng nhóm năng lực, nguyện vọng của học sinh; tập trung nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm chuyên môn, những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, ngoài thời gian ôn tập theo kế hoạch ôn tập của các trường.

Hoạt động hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập được tăng cường nhưng không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe của học sinh; luyện tập nhiều lần, linh hoạt trong cách đưa nội dung ôn tập. Các thầy cô cũng được khuyến khích giới thiệu cho học sinh các bài giảng trực tuyến, ôn tập hệ thống kiến thức các môn thi tốt nghiệp lớp 12 của thầy cô giáo có kinh nghiệm, uy tín trên toàn quốc…

“Năm nay, giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Sở GD&ĐT Phú Thọ xác định việc chỉ đạo công tác ôn thi tốt nghiệp THPT phải sâu sát hơn; tài liệu được biên tập bám sát với nội dung cơ bản, cốt lõi, giúp giáo viên dạy, học sinh sử dụng hiệu quả” - ông Phùng Quốc Lập nhấn mạnh.

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sở GD&ĐT Phú Thọ tiếp tục phát hành bộ tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT. Đây là giải pháp được sở này triển khai từ năm 2020 và đã phát huy hiệu quả. Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, chia sẻ: Tài liệu tập trung phân tích cấu trúc đề tham khảo; nhận xét, đánh giá chi tiết về đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn giải đề thi nhanh và bằng nhiều cách; gợi ý ôn tập ở mỗi nội dung, đơn vị kiến thức. Cuối mỗi phần của các môn thi có đề luyện tập được xây dựng theo định hướng thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để học sinh tự ôn tập.

Hướng dẫn ôn tập trực tuyến, tổ chức thi thử

Để bảo đảm tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ngay từ đầu năm học Sở GD&ĐT Cà Mau đã chỉ đạo các trường rà soát, sắp xếp lớp học theo nguyện vọng môn đăng ký dự thi, năng lực học tập của từng học sinh; bố trí giáo viên dạy học phù hợp. Trên cơ sở đề thi chính thức của các năm học trước, nhà trường xây dựng đề cương, nội dung ôn tập theo chủ đề, hướng dẫn các em tự học, đồng thời thông qua các tiết học chính khóa (trực tuyến), giáo viên giải đáp thêm thắc mắc của học sinh.

Đưa thông tin này, ông Nguyễn Tấn Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non – phổ thông, Sở GD&ĐT Cà Mau, cho hay: Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường rà soát lại nội dung, chương trình dạy học trực tuyến ở học kỳ I, xây dựng kế hoạch kiểm tra, tổ chức kiểm tra ngày sau khi học sinh trở lại học trực tiếp (dự kiến sẽ dạy trực tiếp từ ngày 7/2/2022). Trên cơ sở kết quả của bài kiểm tra, tổ chức dạy bù, ôn tập cho học sinh song song với việc dạy học chính khóa, giúp các em nắm vững kiến thức trong thời gian học trực tuyến. Ngoài kỳ thi thử do sở GD&ĐT tổ chức trong toàn tỉnh và tháng 5, sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tích cực tổ chức thi thử (cả trực tiếp và trực tuyến) để kịp thời củng cố, mở rộng kiến thức cho các em.

Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng lưu ý tăng cường tổ chức thi thử theo trường, cụm trường THPT, giúp học sinh nắm vững hình thức thi, cách thức làm bài thi và rèn tâm lý, tạo tâm thế tốt khi tham gia kỳ thi chính thức. Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến, sở sẽ tổ chức 2 đợt thi thử tốt nghiệp THPT trên toàn tỉnh, dự kiến vào tháng 4 và tháng 5/2022.

Dự kiến sau ngày 14/2/2022, học sinh từ lớp 7 - 12 sẽ đến trường học tập trực tiếp. Ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, khẳng định sẽ cố gắng cho học sinh trở lại trường sớm nhất có thể, từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể.

“Sở GD&ĐT đang chỉ đạo các trường tổ chức kiểm tra, hoàn thành chương trình học kỳ I trước Tết Nguyên đán. Nếu học kỳ II vẫn phải tổ chức dạy học trực tuyến, sở GD&DT sẽ kết hợp với VNPT tổ chức các chuyên đề ôn tập phát trên sóng MyTV để hướng dẫn học sinh ôn tập trực tuyến trên truyền hình” - ông Nguyễn Phương Toàn thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ