Huyện Đông Anh hiện có 111 trường học thuộc 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS, có 46.563 học sinh ăn bán trú. Trong đó, có 24.778 trẻ mầm non, 20.828 học sinh tiểu học và 957 học sinh THCS.
Để đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh học sinh, 111 bếp ăn bán trú đã được các cơ sở giáo dục thành lập. Cụ thể, bậc mầm non có 91 bếp ăn, cấp tiểu học có 5 bếp ăn và hệ thống THCS có 1 bếp ăn.
Ngoài ra, còn có 24 trường học tổ chức ký hợp đồng mua suất ăn từ các công ty bên ngoài về phục vụ cho các em học sinh.
Cùng với mạng lưới bếp ăn tăng nhanh, huyện Đông Anh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng các bếp ăn trường học.
Các phòng ban chức năng của huyện đã phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Sở Y tế và Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, rà soát 111/111 bếp ăn. Kết quả cho thấy, 100% bếp ăn đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận bảo đảm ATTP.
Bên cạnh quản lý cơ sở hạ tầng tại các bếp ăn, huyện Đông Anh cũng kiểm soát chặt nguồn cung thực phẩm.
Huyện thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với 12 công ty, 10 hộ cá thể cung ứng thực phẩm, 12 công ty cung ứng suất ăn tập thể và 20 công ty cung ứng nước uống đóng chai cho các trường học.
Đã có không ít trường hợp đơn vị cung ứng thực phẩm, nước đóng chai, suất ăn, bị loại ra khỏi danh sách do không đáp ứng được các yêu cầu sau quá trình đánh giá nghiêm ngặt.
Dù vậy, việc quản lý các bếp ăn trường học trên địa bàn huyện Đông Anh vẫn còn khó khăn. Điển hình là một số trường mầm non còn thiếu điều kiện cơ sở vật chất.
Diện tích bếp ăn còn chật hẹp, trang thiết bị và vật dụng làm bếp (máy hút mùi, máy sấy bát, nồi cơm điện…) còn thiếu và chưa đồng bộ.
Đặc biệt, đa số các trường tiểu học và THCS không có phòng ăn riêng, phải tổ chức ăn tại lớp học nên việc vệ sinh chưa bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: Nhận thức được đòi hỏi về việc bảo đảm ATTP tại các bếp ăn trường học, địa phương đã xây dựng và đang từng bước triển khai Đề án “Đảm bảo vệ sinh môi trường, VSATTP tại các trường học giai đoạn 2018 – 2020”.
Theo đó, huyện sẽ bố trí ngân sách khoảng 97 tỷ đồng để thực hiện 6 nhóm giải pháp cụ thể.
Theo bà Tám, một trong những giải pháp trọng tâm đang được huyện tập trung đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng ban liên quan tổ chức thực hiện là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm điều kiện chế biến và tổ chức bữa ăn cho học sinh.
Mục tiêu mà địa phương hướng tới là giảm dần, tiến tới loại bỏ các vụ ngộ độc nghiêm trọng tại các bếp ăn trường học.
Trước đó, bếp ăn tập thể trường Mầm non Xuân Nộn tổ chức nấu 796 suất ăn vào bữa trưa 14/11/2018 và bữa phụ lúc 14 giờ cùng ngày.
Thực đơn gồm: Xúc xích, bò sốt vang, xôi lệ phố, cơm rang Dương Châu, Rau củ thập cẩm luộc, nước cam. Bữa phụ chiều sữa chua, bánh ngọt. Thực phẩm được cung cấp bởi Công ty thực phẩm Bảo An có địa chỉ tại thị trấn Đông Anh, Hà Nội.
Sau bữa ăn này, từ sáng 16/11 đến ngày 19/11 liên tiếp 188 trẻ và giáo viên bị ngộ độc thực phẩm phải vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh và Bệnh viện đa khoa Bắc Thăng Long.
Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn lưu (ngày 14, 15/11) tại trường Mầm non Xuân Nộn đã phát hiện 1 mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella (của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát. Địa chỉ tại TP Bắc Ninh).