Nhận định đây là bài toán chung của khu vực, các chuyên gia tại tổ chức giáo dục Times Higher Education (THE) đã đề xuất các giải pháp khắc phục.
Nền kinh tế châu Á bùng nổ bắt đầu với “phép màu Nhật Bản” sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, tiếp theo là sự trỗi dậy của “bốn con rồng châu Á” (gồm Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore) từ những năm 1960 đến 1990.
Ngay sau đó, Trung Quốc nổi lên là một siêu cường thế giới. Trong giai đoạn này, lĩnh vực giáo dục đại học tại châu Á có xu hướng mở rộng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Điều này cũng được chứng minh trong các bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của các tổ chức giáo dục như QS, Times Higher Education, US News & World Report. Ngoại trừ một số trường đại học lâu đời, các cơ sở giáo dục đại học ở Đông Á về cơ bản mới được xây dựng trong 50 năm trở lại đây. Đơn cử, tại Hàn Quốc, giáo dục đại học đã trở thành một “ngành công nghiệp bùng nổ” với các lớp học bằng tiếng Anh vô cùng phổ biến.
Tuy nhiên, từ những năm 1990, dân số trong độ tuổi học đại học ở Đông Á bắt đầu giảm. GS Katharine Moon, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Đại học Wellesley, Mỹ, cho biết: Số lượng thanh niên giảm nhanh chóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ dẫn đến tổn thất hàng triệu USD vào năm 2025 nếu so sánh với giữa những năm 1990. Ở cả hai quốc gia, nhiều trường đại học, cao đẳng đã phá sản và đóng cửa hoặc tái cấu trúc thông qua sáp nhập.
Ở Trung Quốc, nhiều cơ sở giáo dục tư nhân phải vật lộn để tồn tại trong khi các trường đại học công lập lớn có thể duy trì hoạt động bằng cách nhận nhiều sinh viên đến từ nông thôn.
Các trường đại học không thể kiểm soát tỷ lệ sinh quốc gia nhưng theo các chuyên gia, họ vẫn có thể giải quyết bài toán thiếu hụt sinh viên. Các chính sách bao gồm khuyến khích đa dạng văn hóa, cân bằng giới tính, cởi mở hơn với sinh viên ở các độ tuổi khác nhau...
Các trường đại học hàng đầu Đông Á có xu hướng thiên về đào tạo STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Mathematics - Toán học) vì nhiều trường đại học xuất phát từ trường bách khoa hoặc cao đẳng kỹ thuật.
Do đó, các trường thu hút đông sinh viên nam. Vì vậy, các trường cần khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khoa học và y tế, loại bỏ tư tưởng coi những ngành STEM chỉ dành cho nam giới hay thậm chí thiên vị nam giới khi xét tuyển đại học trong những lĩnh vực trên.
Ngoài ra, các trường đại học châu Á cần đa dạng hóa việc tuyển dụng sinh viên toàn cầu; điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng sinh viên ngày càng đa dạng... Đồng thời, nếu muốn thu hút sinh viên quốc tế, các trường cần cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhóm này.
Về phía chính phủ cần tạo điều kiện để sinh viên quốc tế tốt nghiệp tìm được việc làm ở nước sở tại, từ đó góp phần chống lại tác động của việc suy giảm dân số.
Năm 1960, Hồng Kông chỉ có một cơ sở giáo dục đại học là Đại học Hồng Kông nhưng ngày nay, khu vực này có 8 trường đại học công lập và nhiều trường tư thục khác. Sự phát triển giáo dục đại học của Đài Loan thậm chí còn ấn tượng hơn. Năm 1950, chỉ có 7 trường đại học ở khu vực này và tổng số sinh viên không vượt quá 7.000 người. Đến năm 2012, số lượng trường đại học đã tăng gần 20 lần lên 163 trường với số lượng sinh viên là 1,25 triệu.