Sắc xuân trên rẻo cao
Vào mỗi dịp cuối năm, người Hà Nhì ở các xã biên giới: Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Tá Bạ của huyện Mường Tè lại tưng bừng đón tết truyền thống Hồ Sự Chà.
Đồng bào Hà Nhì nơi đây không chỉ được biết đến với nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu thông qua phong tục cầu kỳ, các lễ hội độc đáo mà ngày tết của họ càng tô điểm thêm nét đẹp văn hóa mang đậm đà bản sắc nơi thượng nguồn sông Đà.
Khi những cánh hoa đào, hoa mai đang bắt đầu tô thắm núi rừng biên cương của Tổ quốc, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi lên xã Ka Lăng, huyện Mường Tè để cùng đồng bào nơi đây đón tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì.
Hơi sương giăng đầy bên triền núi chạy dài theo những con suối hiền hòa. Dọc 2 bên đường, từng hàng hoa dã quỳ vàng tươi bung nở càng tô điểm thêm nét đẹp của ngày xuân. Chúng tôi bắt gặp nét mặt rạng ngời của những đứa trẻ đang theo mẹ xuống chợ mua bộ quần áo mới, những chàng trai, cô gái Hà Nhì diện bộ trang phục truyền thống rực rỡ với ánh mắt lúng liếng… Không khí Tết đang tràn về với bản làng vùng biên.
Dẫn chúng tôi đi dạo quanh bản để cảm nhận không khí đón Tết ấm cúng của đồng bào, ông Pờ Pó Chừ (bản Lò Ma, xã Ka Lăng) niềm nở giới thiệu về các phong tục trong ngày Tết của người dân: “Người Hà Nhì ở đây chỉ cấy một vụ trong năm nên mỗi khi mùa màng thu hoạch xong thì lúc đó bà con bắt đầu sắm sửa đón tết. Trong ngày Tết Hồ Sự Chà, con cháu từ khắp mọi miền đều tập trung về quê để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Ai cũng cầu mong cho một năm mới an lành, mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.
Khác với Tết Nguyên đán của người Kinh và tùy vào từng dòng họ, người Hà Nhì đón Tết 2 lần: Lần thứ nhất là Tết tất niên vào ngày Thìn đầu tiên của tháng và kéo dài từ 3 - 5 ngày. Trong lần ăn tết này, nhà nào cũng mổ một con lợn, làm bánh dày, tránh trôi để cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Lần ăn Tết thứ 2 bắt đầu ngày Thìn tiếp theo, khi ấy chính thức bước sang năm mới, gia đình làm bánh trôi, mổ gà và ăn tết trong vài ngày.
Ghé thăm nhà ông Lý Lỳ Che ở bản Lò Ma, bên bếp lửa bập bùng ấm áp các con cháu đang quây quần nói chuyện chúc ông, bà thêm sức khỏe. Anh trai của ông cùng bạn bè cũng lên chung vui.
Ông Che kể: “Để chuẩn bị cho ngày Tết, người đàn ông vào rừng chặt củi cho bếp hồng cả ngày tết, phụ nữ bận rộn với từng đường kim mũi chỉ may quần áo mới cho cả nhà đón xuân. Sau một năm làm ăn vất vả, dịp tết cũng là lúc gia đình sửa sang lại bàn thờ tổ tiên, vệ sinh nhà cửa gọn gàng sạch đẹp”.
Ngày Tết đầu tiên, khi sương đêm còn bảng lảng, tiếng gà rừng bắt đầu gáy sáng, cái rét ngọt của núi rừng vẫn bao trùm khắp các bản làng thì người dân Hà Nhì đã thức giấc dọn dẹp nhà cửa, sân vườn… Những bếp lửa bập bùng được nhóm lên, người người, nhà nhà hối hả chuẩn bị Tết.
Dưới ánh điện lập lòe, các gia đình người Hà Nhì đã nhộn nhịp làm bánh dày để thờ cúng gia tiên. Sau khi bánh chín, người phụ nữ trong gia đình sẽ thực hiện nghi thức cúng bái để thông báo, mời tổ tiên “về ăn Tết” cùng con cháu.
“Người Hà Nhì quan niệm, bánh dày là món ăn “khai vị” để tổ tiên “về ăn Tết” cùng con cháu. Do vậy, loại bánh này là món ăn không thể thiếu trong lễ cúng đầu tiên ở mỗi gia đình. Làm xong nghi lễ cúng bánh dày, người dân mới bắt đầu mổ lợn và thực hiện các nghi lễ tiếp theo” – ông Pờ Pó Chừ chia sẻ.
Theo ông Chừ, bánh dày đem dâng cúng tổ tiên phải được làm to hơn bánh thường. Đó là thể hiện sự tri ân, thành kính và tấm lòng hiếu thảo của con cháu với đấng sinh thành, bề trên và với ông bà, tiên tổ. Ngoài ra, bánh còn được làm chia đều cho con cháu hưởng lộc hay làm quà biếu khách trong những ngày Tết.
Độc đáo tục xem gan lợn
Trong Tết Hồ Sự Chà, nhà nào cũng chuẩn bị một con lợn thịt để đón tết, to hay nhỏ tùy thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình. Năm nay, gia đình ông Lý Lỳ Che cũng chuẩn bị con lợn gần 1 tạ để thịt vào ngày Tết. Đã 50 tuổi, ông Che biết rõ việc quan trọng nhất sau khi mổ lợn là xem gan lợn.
Ông Che chia sẻ: “Khi lợn được làm xong, các cụ già, người có kinh nghiệm trong bản đều đến từng gia đình để xem gan lợn. Người Hà Nhì cho rằng nếu bộ gan lợn còn nguyên, không bị sứt, mật đầy, lá gan úp ở trên nhô cao, dây nối giữa hai lá gan tương đối thẳng thì đó là dấu hiệu một năm kế tiếp tốt lành, mùa màng bội thu. Nếu gan lợn không được như ý thì gia chủ sẽ chọn ngày mời thầy cúng về làm lý hóa giải”.
Trong lúc con cháu cẩn thận bóc tách bộ gan lợn ra khỏi bộ lòng, ông Che đã mời được cụ Lù Phí Xè, người có uy tín trong bản và có kinh nghiệm xem gan lợn hàng năm để giúp mình xem gan lợn.
Lật từng miếng gan, chỉ vào sợi gân nối giữa 2 lá gan và mật, ông Lù Phí Xè cho biết: “Gan lợn của nhà ông Che rất đẹp, báo hiệu cho một năm mới may mắn. Sức khỏe của mọi người trong gia đình được đảm bảo. Mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển”.
Mổ lợn và xem gan lợn xong, thầy Khoàng Khò Hừ (giáo viên Trường Mầm non Ka Lăng) ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng cắt mỗi thứ một ít, đem luộc chín rồi bày lên mâm cùng với bát cơm, củ gừng, bánh dày để cúng khấn mời tổ tiên. Cúng xong thầy gọi cả gia đình vào quỳ trước bàn thờ cùng khấu đầu lạy tạ.
Thầy Hừ chia sẻ: “Tùy vào dòng họ, có họ thì người đảm nhiệm làm lễ cúng thờ tổ tiên phải là người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình. Có dòng họ thì lại là đàn ông thực hiện nghi lễ cúng. Mâm cúng sáng ngày Tết thứ nhất được đồng bào Hà Nhì đặt lên bàn thờ ngoài bát nước chè còn có bánh dày, rượu, muối, rau, củ mà gia đình sản xuất được trong năm”.
Hiện nay, người Hà Nhì vẫn giữ được phong tục truyền thống là sáng ngày mùng một Tết con cháu đến chúc mừng ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình họ hàng. Họ đến nhà nhau biếu bánh dày, thịt lợn đồng thời chúc tụng nhau năm mới gặp nhiều may mắn. Sau khi các cháu hành lễ, ông bà chia lộc và chúc cho con cháu lớn nhanh, học giỏi.
Trong sáng ngày mồng một, người Hà Nhì rất thích con trai đến xông nhà. Họ quan niệm đó là điều may mắn của gia đình trong năm mới. Sau khi cúng xong thì cả gia đình cùng ăn bữa cỗ đón mừng năm mới.
Ông Chu Lù Ky – Trưởng bản Mé Gióng cho biết: “Sau bữa cơm tụ họp gia đình, mọi người lựa chọn bộ trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất để đi hát, đi chúc Tết anh em họ hàng ở các bản làng khác. Thanh niên, trẻ em thường tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh cầu lông gà, hát giao duyên, đánh cù... Tết còn là dịp mọi người gặp gỡ, vui chơi, chúc nhau sức khỏe, nhiều điều may mắn trong năm mới”.
Vui Tết không quên nhiệm vụ
Trong ngày đầu tiên của Tết Hồ Sự Chà ở Ka Lăng, chúng tôi có dịp các thầy cô trong Trường PTDTBT THCS Ka Lăng đi đón Tết cùng bà con bản Mé Gióng. Không khí vui tươi rộn rã khắp bản làng, nhà nào cũng bày sẵn vài mâm cỗ để đãi khách.
Nhà trường đã phân công các cán bộ, giáo viên giáo viên xuống tận bản để chúc tết các trưởng bản, Bí thư Chi bộ và gia đình một số cán bộ, giáo viên là người Hà Nhì và một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Đây là dịp để nhà trường chúc mừng năm mới cũng là cơ hội để chúng tôi thắt chặt hơn nữa sự phối hợp với thôn bản, địa phương trong công tác huy động học sinh đến lớp, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần sau Tết” - thầy Lò Văn Thại, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ka Lăng cho biết.
Cũng theo thầy Thại cho biết, năm học 2024 – 2025, Trường PTDTBT THCS Ka Lăng có 233 học sinh, trong đó con em người Hà Nhì chiếm hơn 90%. Tết Hồ Sự Chà năm nay bắt đầu sớm, từ ngày 11/11. Nhà trường đã xây dựng phương án, đẩy lịch học để học sinh nghỉ học từ ngày 11 – 13/11.
“Đây là Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì nên trường linh hoạt cho các em đón Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình. Cùng với đó, nhà trường chú trọng nhắc nhở các em, phụ huynh đảm bảo an toàn tuyệt đối trong những ngày này. Chiều 14/11, học sinh bán trú sẽ quay trở về trường” – thầy Thại tâm sự.
Trong những ngày học sinh Hà Nhì đón Tết, học sinh dân tộc khác cũng nghỉ học. Ở bản Là Ú Cò có một số học sinh người La Hủ theo học tại trường. Để đảm bảo sĩ số, nhà trường cử giáo viên đến nhà các em vận động ra lớp.
Chiều tối ngày Tết đầu tiên, thầy cô lại cùng tất cả mọi người, từ già, trẻ đến những nam thanh, nữ tú trong bản Mé Gióng tập trung trở lại sân nhà văn hóa, tay trong tay vui điệu úp chiêng, múa trống...
Những lời ca, điệu múa đặc sắc, mang âm hưởng dân gian của đồng bào Hà Nhì vọng khắp núi rừng như sợi dây gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần đoàn kết và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chia tay bà con Hà Nhì nơi rẻo cao biên giới, trong lòng chúng tôi dâng trào cảm xúc lạ thường. Hình ảnh về những người dân cần cù, chịu khó chan chứa lòng mến khách cùng với hương vị ngày tết đầm ấm, hạnh phúc như sắc xuân bừng sáng nơi địa đầu Tổ quốc.