Dồn sức về đích

GD&TĐ - Theo quy định, các địa phương cần hoàn thành chọn sách giáo khoa chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới.

Học sinh Hà Nội tham quan gian trưng bày sách giáo khoa mới. Ảnh: INT
Học sinh Hà Nội tham quan gian trưng bày sách giáo khoa mới. Ảnh: INT

Đến thời điểm này có gần 40 địa phương công bố danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng trong năm học 2023 - 2024.

Thuận lợi chọn sách

Bước sang năm thứ 2, việc lựa chọn sách giáo khoa tại Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang) đã đi vào nền nếp, những khó khăn trong năm đầu tiên hầu như được khắc phục. Cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài kinh nghiệm của năm đầu triển khai và một năm dạy học theo sách giáo khoa mới, việc sở GD&ĐT sớm gửi bản mẫu để giáo viên nghiên cứu rất thuận lợi cho nhà trường. Bởi đó là thời gian trường chưa phải tập trung cho các hoạt động phục vụ tổng kết năm học, tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT…

“Năm trước, lần đầu tiên thầy cô tiếp cận với sách giáo khoa mới nên mất nhiều thời gian để nghiên cứu, nắm được ý đồ từng bộ sách; rồi khi họp tổ, mỗi người một ý kiến nên việc thống nhất có khó khăn. Còn năm nay thầy cô đã rõ hơn về các bộ sách, nhất là sau một năm thực tiễn dạy học, từ đó sự đối sánh, lựa chọn thuận lợi hơn nhiều”, cô Nguyễn Phương Lan nói.

\Được biết, Bắc Giang là một trong những địa phương hoàn thành khá sớm việc chọn sách. Theo đó, ngày 10/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và môn Lịch sử lớp 10 từ năm học 2023 - 2024. Theo đó, danh mục dành cho lớp 4 gồm 24 đầu sách, lớp 8 gồm 24 đầu sách, lớp 11 gồm 37 đầu sách giáo khoa của các môn học - thuộc bộ Cánh diều và Kết nối tri thức. Đối với lớp 10, phê duyệt sách giáo khoa môn Lịch sử thuộc bộ sách Cánh diều của NXB ĐHSP.

Vui tới trường

Vui tới trường

Thông tin từ ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Năm học 2023 - 2024, cũng như các năm học trước, việc lựa chọn sách giáo khoa phải hoàn thành trong tháng 4. Được chọn lựa trên cơ sở tham khảo đề xuất của các cơ sở giáo dục phổ thông, vì vậy, sách giáo khoa được lựa chọn tại An Giang đa dạng. Một môn học/hoạt động giáo dục có ít nhất một bộ sách giáo khoa nhằm tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, học sinh lựa chọn, sử dụng và nghiên cứu.

“Căn cứ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh, hằng năm, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; xây dựng kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa để triển khai. Việc lựa chọn sách giáo khoa bước đầu gặp khó khăn do phải xây dựng Nghị quyết trình HĐND về quy định nội dung mức chi cho Hội đồng lựa chọn. Khi đã xây dựng Nghị quyết, việc lựa chọn sách giáo khoa đi vào nền nếp và không gặp khó khăn”, ông Khanh chia sẻ.

Tại Bến Tre, UBND tỉnh đã phê duyệt 24 đầu sách giáo khoa lớp 4; 28 đầu sách giáo khoa lớp 8; 37 đầu sách giáo khoa, chuyên đề học tập lớp 11. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thuý, các khó khăn ban đầu được các đơn vị khắc phục và thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 25. Sở GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục công bố rộng rãi các quyết định phê duyệt sách giáo khoa đến tập thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh với nhiều hình thức. Sách giáo khoa được nhà trường sử dụng với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trong năm học 2023 - 2024 cũng phải được công bố công khai để cha mẹ học sinh biết rõ.

Với Phú Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập thông tin, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cơ bản đã hoàn thành chọn sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo kế hoạch. Riêng môn Giáo dục Quốc phòng an ninh cấp THPT và môn Lịch sử lớp 10, sở GD&ĐT đang hoàn thiện các hồ sơ để báo cáo trình chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định. Công tác lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản thuận lợi.

Giáo viên Trường Tiểu học Bích Động (huyện Việt Yên, Bắc Giang) nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa năm học 2023 - 2024.

Giáo viên Trường Tiểu học Bích Động (huyện Việt Yên, Bắc Giang) nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa năm học 2023 - 2024.

Bảo đảm đủ sách trước năm học mới

Cũng theo ông Phùng Quốc Lập, sau khi UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt và công bố danh mục sách giáo khoa được sử dụng trên địa bàn tỉnh, sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị có sách giáo khoa được lựa chọn để tổ chức cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhà trường; đồng thời tổ chức tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa, hoàn thành trước khi vào năm học mới.

Tương tự, Sở GD&ĐT Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị công bố rộng rãi với nhiều hình thức về danh mục sách giáo khoa nhà trường sẽ sử dụng trong năm học tới. Đồng thời, chủ động liên hệ với đầu mối đã được tổ chức, cá nhân ủy quyền cung ứng sách giáo khoa để đăng ký số lượng, bảo đảm đầu năm học mọi học sinh đều có sách giáo khoa để học tập. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có sách giáo khoa được phê duyệt để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên sử dụng sách có hiệu quả, cũng như khai thác nguồn tài nguyên sách để dạy học.

Thế hệ tương lai

Thế hệ tương lai

“Với học sinh khó khăn, diện chính sách, ngành Giáo dục chỉ đạo nhà trường thực hiện chuyển tặng sách giáo khoa từ các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà tài trợ, cha mẹ học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn trang bị sách tại thư viện để hỗ trợ học sinh sử dụng khi có nhu cầu. Trong nhiều năm qua, Bến Tre luôn theo dõi sát vấn đề này, không để tình trạng học trò gặp khó khăn, thiếu sách giáo khoa học tập”, Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho hay.

Với An Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh thông tin, Sở GD&ĐT bước đầu có thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng sách giáo khoa để liên hệ với đơn vị cung ứng. Phối hợp chính quyền địa phương vận động cơ sở kinh doanh chuẩn bị các loại sách giáo khoa phục vụ cho học sinh. Chỉ đạo và theo sát việc đơn vị liên hệ với nhà cung cấp để cung ứng, trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh vào năm học mới.

Đối với học sinh đồng bào dân tộc, học sinh nghèo, ông Trần Tuấn Khanh trao đổi, nhà trường tranh thủ từ nguồn kinh phí được giao, hoặc nguồn tài trợ, vận động để bảo đảm học sinh có đủ sách học tập. Đối với học sinh học Chương trình GDPT 2006, sở chỉ đạo nhà trường vận động học sinh học lớp trước ủng hộ sách giáo khoa cho thư viện để cung cấp sách cho học sinh lớp sau sử dụng. Chính vì vậy, nhiều năm qua học sinh của An Giang không gặp khó khăn về sách giáo khoa khi vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.