(GD&TĐ) - Với quan điểm đổi mới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, thủ tục đăng ký cấp phép cho các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài đã được giản lược khá nhiều. Tuy nhiên, bởi sự chồng chéo của quy định hành chính, khiến việc quản lý các cơ sở GD này gần như nằm “ngoài luồng” của hệ thống; từ đầu tư, thu chi, trang bị CSVC cho đến nội dung, chất lượng đào tạo…
Ảnh minh họa/Internet |
Không chỉ không theo sát được chất lượng giảng dạy, ngay việc kiểm soát hoạt động giảng dạy của các cơ sở GD có yêu tố nước ngoài cũng là bài toán khó đối với đơn vị chức năng, mà trực tiếp là các Sở GD&ĐT.
Nhìn ngay tại Hà Nội, trong số các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố hiện nay, có không ít cơ sở đã tồn tại cách đây nhiều năm, có cơ sở đã tồn tại gần 30 năm và trong khoảng thời gian ấy việc quản lý thẳng thắn mà nói là bị buông lỏng. Đã một thời gian dài, rất nhiều cơ sở không được quy về một mối, có cơ sở núp bóng dưới công ty (thông qua giấy phép được cấp bởi Sở KH – ĐT để hoạt động); có cơ sở trực thuộc Bộ GD&ĐT... Việc quản lý các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài vì vậy rất tản mạn và không tránh khỏi tình trạng có cơ sở gần như không thuộc sự quản lý của cơ quan nào, hoạt động với tính chất tương đối “tự do”.
Từ năm 2006, Bộ GD&ĐT và UBND thành phố Hà Nội mới có những văn bản quy định việc quản lý những cơ sở GD có yếu tố nước ngoài. Phòng quản lý các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng mới chỉ được thành lập từ tháng 10/2008.
Để quản lý hoạt động của các cơ sở này, hàng năm Sở GD&ĐT Hà Nội đều tiến hành rà soát và gửi công văn tới tất cả các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài để yêu cầu làm thủ tục xin cấp phép hoạt động; đồng thời yêu cầu 6 tháng một lần các cơ sở đó phải báo cáo để Sở nắm được tình hình hoạt động của đơn vị. Bộ phận chuyên trách của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ, kiểm tra thẩm định các yếu tố để cấp phép.
Thông thường mỗi tuần, Sở GD&ĐT Hà Nội lại triển khai kiểm tra 2- 4 cơ sở đã được cấp phép để xem hoạt động có đúng chức năng không. Sở GD&ĐT cũng có công văn gửi công an thành phố, đề nghị công an phường kiểm tra tất cả các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài hoạt động trên địa bàn phường, xem ở các cơ sở đó được cấp phép chưa. Chặt chẽ và đồng bộ như vậy, nhưng trên thực tế, chính người có trách nhiệm trong lĩnh vực này của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại không ít trung tâm tư vấn du học (có trang web trên mạng, có quảng cáo hoạt động công khai) mà không hề xin phép.
Có một thực tế nữa trong việc quản lý các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung là không kiểm soát được việc thu chi học phí cũng như đầu tư CSVC, trang thiết bị của các cơ sở này. Có không ít cơ sở GD có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố, quảng cáo là trang bị ngang tầm với trường học ở các nước tiên tiến, nhưng sự thực thì cũng chỉ có thêm một số tranh ảnh (nhất là tranh HS tự vẽ), màn hình vô tuyến và điều hoà, với cách bài bố đúng là khá khoa học và hợp lý; nhất là số lượng HS/một lớp khá hạn chế, với ít nhất 2 giáo viên đứng lớp.
Đây cũng chính là phác họa thực tế của Trường Quốc tế Singapore (trước đây là Trường Kinder World), đóng tại khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra (nằm trên địa bàn giáp ranh giữa quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm, Hà Nội). Với mức học phí trung bình trên 6.000 USD/năm, được xếp vào top trường có mức phí cao nhất hiện nay ở Hà Nội, nhưng xem ra việc đầu tư CSVC là khá hạn chế và không tương xứng với sự quảng cáo của trường. Những điều này, Sở GD&ĐT không thể kiểm soát được, cũng như không thể kiểm soát được mức thu của các trường vốn dựa trên cơ sở thoả thuận với phụ huynh HS.
Đó cũng lại là một thực tế nữa trong việc quản lý các cơ sở GD có yếu tố nước ngoài hiện nay, không chỉ riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhất Nguyên