Dồn điểm lẻ, sáp nhập trường là yêu cầu tất yếu

GD&TĐ - Đáp ứng quyền học tập của học sinh (HS), điểm lẻ được trường học nhiều địa phương mở đến từng thôn, bản. Điểm lẻ đã hoàn thành nhiệm vụ khi địa phương vùng khó đều hoàn thành phổ cập GD tiểu học, MN 5 tuổi…

Học sinh được chăm sóc bữa ăn tại điểm trường thuộc Trường PTDTBT TH Lùng Tám (Quản Bạ - Hà Giang). Ảnh: TG
Học sinh được chăm sóc bữa ăn tại điểm trường thuộc Trường PTDTBT TH Lùng Tám (Quản Bạ - Hà Giang). Ảnh: TG

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu triển khai CTGDPT 2018, dồn điểm trường lẻ, sáp nhập trường học là cần thiết để tập trung đầu tư nguồn lực lẫn nhân lực.

Khó bó khôn

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), toàn quốc có khoảng 13.995 trường tiểu học với 17.609 điểm trường. Tỉ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26. Phần lớn trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường, thậm chí trên 10 điểm lẻ. Các điểm trường lẻ và chính đang có sự chênh lệch đáng kể từ nguồn lực, tới nhân lực.

Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) cho biết: Với 99% HS dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao…), địa bàn xã Trung Lý là đồi núi trải rộng nên trường có 1 điểm chính, 8 điểm lẻ mới đáp ứng đủ nhu cầu học tập của HS.

Các điểm trường lẻ có hơn 300 HS, từ lớp 1 - 5. HS vẫn phải học lớp ghép nhiều trình độ khác nhau: lớp 1 - 2; lớp 1 - 3, lớp 3 - 4. Đặc biệt, 6/8 điểm trường lẻ vẫn không có điện lưới, không màn hình, máy chiếu. Ánh sáng phòng học phụ thuộc vào điện năng lượng mặt trời… Điều đó đồng nghĩa, GV không thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học.

Sự cồng kềnh của các điểm trường khiến việc bố trí GV thêm khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh trường vẫn thiếu GV Tiếng Anh, Tin học theo biên chế. Hiện việc dạy học môn Tiếng Anh tại các điểm trường lẻ gần như “trắng” hoặc triển khai theo từng năm bởi 1 GV không thể giảng dạy ở tất cả điểm trường. Với môn Tin học, điểm trường lẻ cũng chưa thể triển khai do không có điện, thiếu cơ sở vật chất.

Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh – Hà Giang) là trường vùng cao có số điểm trường “kỷ lục” với tổng cộng 20 điểm. Điểm trường lẻ xa nhất cách điểm trường trung tâm 27km. Hiện trường vẫn duy trì 12 lớp ghép/15 điểm trường (ghép  trình độ lớp 1 - 2, 2 - 3, 3 - 4).

Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long cho biết: Để dự giờ thăm lớp đủ 19 điểm trường lẻ, ban giám hiệu cùng 5 tổ khối chuyên môn phải chia thành nhiều đoàn, triển khai nhiều lần. Thậm chí để sinh hoạt chuyên môn, trường phải bố trí vào ngày nghỉ, chiều thứ 6 để GV các điểm trường có thể tham dự đủ. Nhà trường phải thông báo trước để thầy cô về kịp và không ảnh hưởng tới dạy học.

Tuy nhiên, theo thầy Đông, dù thầy cô đã nỗ lực hết sức song chất lượng giáo dục giữa điểm trường lẻ và chính có chênh lệch đáng kể. Việc dạy học ứng dụng CNTT vô cùng hạn chế. Các môn Tiếng Anh, Tin học vẫn phải triển khai dạy học luân phiên và không học liền mạch. Có điểm trường không dạy học Tiếng Anh. Thậm chí, HS lớp 3, 4, 5 được dồn ghép về điểm trường chính mới bắt đầu học Tiếng Anh.

Những bất cập tại điểm lẻ cho thấy việc dồn điểm lẻ hay sáp nhập trường đồng cấp, liên cấp là điều cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt trước yêu cầu cụ thể về nhân lực, vật lực khi triển khai CTGDPT 2018.

Tuy nhiên, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Thực hiện dồn điểm trường cần dựa trên nguyên tắc “tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập cho HS, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục… 

Các điểm trường chính với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập, vui chơi giúp HS phát triển toàn diện. Ảnh: TG
Các điểm trường chính với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập, vui chơi giúp HS phát triển toàn diện. Ảnh: TG

Giải pháp nào cho điểm trường?

Thầy Dương Văn Đông chia sẻ: 20 điểm trường hiện nay là con số được nhà trường tích cực triển khai dồn ghép trong nhiều năm qua (trước đây có khoảng gần 30 điểm trường). Tuy nhiên, ngân sách địa phương cấp cho các trường có hạn nên việc dồn ghép trường lớp đòi hỏi đầu tư về cơ sở vật chất mới đáp ứng được việc dạy và học..

Để không bị động và bảo đảm cho việc dồn ghép trường lớp, những năm qua nhà trường tích cực trong việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục từ các tổ chức, cá nhân. Khi có đủ nguồn lực, nhà trường nhờ phụ huynh ủng hộ về ngày công lao động trong việc xây mới, tu sửa các điểm trường. Từ đó, số lớp ghép đã giảm, chất lượng giáo dục dần tăng cao.

Cô Sền Thị Thơm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương – Lào Cai) cũng cho biết: Chất lượng giáo dục tại điểm trường chính tốt hơn điểm lẻ bởi trẻ được học tập trong không gian, góc học tập đủ đồ chơi đồ dùng học tập. Do đó khả năng nói và nhớ tiếng Việt của trẻ điểm trường chính tốt hơn ở các điểm trường lẻ. Khi vào học lớp 1, trẻ thông thạo tiếng Việt sẽ tiếp thu và học nhanh hơn.

“Nhà trường đã tính đến dồn ghép 7 điểm lẻ sao cho hợp lý để HS được học tập trung trong môi trường giáo dục toàn diện hơn. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là phải bảo đảm đúng khoảng cách, cha mẹ thuận tiện đưa đón trẻ trong ngày. Dồn ghép điểm trường nếu không hợp lý không chỉ sai quy định mà còn không duy trì tỉ lệ chuyên cần, ảnh hưởng về chất lượng…” – cô Thơm bày tỏ. 

HS điểm trường chính được bán trú tại trường, học ngày 2 buổi, có sự kèm cặp thường xuyên của thầy cô nên kiến thức, kĩ năng tốt hơn rất nhiều. Tại các điểm trường lẻ dù không còn học lớp ghép nhưng cơ sở vật chất thiếu, HS thiếu trải nghiệm, cọ xát, tiếp cận với đầy đủ đồ dùng học tập hiện đại nên tiếp thu chậm hơn, kĩ năng giao tiếp thiếu tự tin… - Cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.