Động thái trên được xem là đòn trả đũa của Nga đối với một loạt các biện pháp trừng phạt được Mỹ đưa ra trước đó.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, trong số các quan chức mà Moscow đưa vào danh sách trừng phạt có Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, Giám đốc FBI Chris Wray, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, Giám đốc An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, Giám đốc Hội đồng Chính sách nội địa Mỹ Susan Rice và Giám đốc Cục Nhà tù Liên bang Mỹ Michael Carvajal.
Danh sách cũng bao gồm các quan chức Mỹ đã rời chính phủ như cựu Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton của cựu Tổng thống Trump và cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương R. James Woolsey – người từng phục vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết tại một cuộc họp báo rằng Moscow cũng sẽ đặt ra các hạn chế đối với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ của Mỹ trên lãnh thổ Nga. Ông cũng gọi các biện pháp của Washington trước đó là “thù địch” và “vô cớ”.
Tuy nhiên, phản ứng này của Nga cho thấy Moscow đang chú ý đến lời kêu gọi được lặp đi lặp lại của Tổng thống Biden nhằm ngăn chặn “chu kỳ leo thang và xung đột”.
Trong bài phát biểu trước công chúng tại Nhà trắng hôm 15/4, Tổng thống Joe Biden cho biết ông “chọn cách tương xứng” trong nỗ lực tạo dựng một mối quan hệ “ổn định và có thể đoán trước được” với Nga. Ông cho biết đã nói với Tổng thống Putin rằng “cần thiết” có một cuộc liên lạc trực tiếp giữa họ và đề xuất một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại một quốc gia châu Âu vào mùa hè này.