Đội tuyển bóng đá Việt Nam sau tuần trăng mật

GD&TĐ - HLV Kim Sang-sik đã có khởi đầu tốt với bóng đá Việt Nam, từ kết quả loạt trận cuối vòng loại thứ 2 World Cup 2026...

Trận Việt Nam (bên phải) thua Thái Lan 0-1 trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2022. Ảnh minh họa: INT.
Trận Việt Nam (bên phải) thua Thái Lan 0-1 trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2022. Ảnh minh họa: INT.

Nhưng quãng thời gian 3 tháng trước AFF Cup 2024 mới là thử thách thực sự khó khăn, ẩn chứa nhiều nguy cơ với chiến lược gia người Hàn.

Cải tổ như thế nào?

Ông thầy người Hàn Quốc và các học trò trải qua 2 trận cuối vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á với kết quả một thắng, trước Philippines tại Mỹ Đình và một thua trên sân Iraq.

Kết quả này không mang đến điều thần kỳ, song đội tuyển Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Huấn luyện viên Kim Sang-sik được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam từng bước giành lại vị thế đã mất, đồng thời thắp lên hy vọng về những mục tiêu mang tính chiến lược tầm châu lục và thế giới.

Ngoài giải giao hữu có chất lượng trên sân Mỹ Đình vào tháng 9, với khách mời là “kình địch” Thái Lan và đội tuyển Nga, dự kiến, thầy trò huấn luyện viên Kim Sang-sik còn có thêm 2 trận giao hữu với Ấn Độ (ngày 9/10) và Li Băng (15/10). Tiếp đó, từ ngày 21/11, đội tuyển Việt Nam sẽ có 2 tuần tập huấn đặc biệt tại Hàn Quốc, trước khi bước vào AFF Cup 2024, với mục tiêu vô địch như ông Kim đặt ra. Theo kế hoạch, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung vào ngày 30/8.

Tuy nhiên, việc huấn luyện viên Kim Sang-sik khởi đầu suôn sẻ với bóng đá Việt Nam chủ yếu được xây dựng trên tinh thần “nhập gia tùy tục”. Có nghĩa, ông Kim tôn trọng những gì đội tuyển Việt Nam đang có. Lứa cựu binh được trọng dụng trở lại và kế thừa lối chơi vốn trở thành thương hiệu từ thời huấn luyện viên Park Hang Seo.

Ông Kim đã không xới tung, gây bất ổn như người tiền nhiệm Philippe Troussier. Vậy nên, với vỏn vẹn 4 ngày huấn luyện, chiến lược gia người Hàn Quốc này nhanh chóng có chiến thắng, giúp đội tuyển Việt Nam chấm dứt 7 tháng toàn thua trước đó.

Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, các đội tuyển dưới tay ông thầy người Pháp xuyên suốt một năm trước khi ông Kim đến chỉ là những tranh cãi, bất ổn. 3 thất bại liên tiếp trước đội tuyển Indonesia cùng vô số kết quả tệ hại khác khiến niềm tin và tình yêu người hâm mộ chạm đáy.

Trong cơn khủng hoảng ấy, ông Kim Sang-sik tạo dựng được vị thế chỉ sau 1 trận thắng, trước đội bóng chưa phải đối thủ xứng tầm như Philippines. Người hâm mộ Việt Nam cũng dễ dàng bỏ qua nhiều vấn đề để trao gửi niềm tin vào người mới.

Tuần trăng mật giữa chiến lược gia người Hàn và đội tuyển Việt Nam khép lại trong sự êm ái và ngọt ngào.

Mặc dù vậy, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn, đòi hỏi những mục tiêu cao hơn, xa hơn với huấn luyện viên Kim Sang-sik. Trong khi đó, sau hơn 10 ngày nắm đội tuyển Việt Nam hồi tháng 6, ông Kim phần nào có cái nhìn thực tế hơn về thể lực, kỹ thuật cũng như tư duy chiến thuật của học trò.

Muốn hoàn thành trọng trách, như hợp đồng ký với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông buộc phải cải tổ đội tuyển Việt Nam, thanh lọc lực lượng trong những đợt tập trung sắp tới. Ngoài ra, dù muốn hay không, ông Kim cũng phải xây dựng lối chơi mang bản sắc của mình. Đây mới là những vấn đề nan giải cho chiến lược gia sinh năm 1976, và tất cả đều đang là ẩn số.

Về mặt con người, danh sách đội tuyển Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua chắc chắn xuất phát từ các ban chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Bởi thời điểm đó, huấn luyện viên Kim Sang-sik chân ướt, chân ráo đến Việt Nam, ông không đủ thời gian để thuộc hết tên các học trò.

Tuy nhiên, ở đợt tập trung tới, huấn luyện viên Kim Sang-sik có thể bỏ qua yếu tố thành tích để triệu tập nhiều cầu thủ mới, chứ không thể đóng khung với dàn cựu binh thành danh dưới thời ông Park và phải triển khai kế hoạch thử nghiệm, tìm kiếm nhân tố mới chất lượng. Nhưng tìm cầu thủ mới ở đâu? Sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam liệu có “vàng thô” không? Câu trả lời gần như là không.

V-League 2023 - 2024 kết thúc không có nhiều điểm sáng về chuyên môn. Giải đấu cao nhất Việt Nam chưa thể sản sinh ra nhiều nhân tố trẻ để mở ra cơ hội khoác áo, hoặc nâng cấp đội tuyển quốc gia.

Cụ thể, nhóm những cầu thủ được coi là trẻ (thuộc độ tuổi 23 trở xuống) gần như không có cái tên nào mới, thể hiện được năng lực ngoại trừ một nhóm được huấn luyện viên Troussier phát hiện trước đó. Nhưng trong số này cũng chỉ một vài cái tên khẳng định được năng lực như Thái Sơn, Vĩ Hào, Văn Khang, Quang Vinh.

Phần còn lại vừa ít về số lượng và đều ở dạng tiềm năng, có thể phát triển hơn hoặc đã chạm trần về chuyên môn.

doi tuyen bong da viet nam.jpeg
Tiền vệ Arsen Zakharyan được coi là một trong những tài năng trẻ của đội tuyển Nga. Ảnh minh họa: INT

Thực tế, khan hiếm tài năng trẻ, lứa kế cận chưa đủ chín để thay thế đàn anh là vấn đề tồn tại nhức nhối nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam. Giải pháp chữa cháy bằng cầu thủ nhập tịch đã được một số chuyên gia đề cập, giống như đội tuyển Indonesia, Philippines, hay Malaysia. Nhưng để giải quyết vấn đề này không thuộc trách nhiệm của ông Kim, mà thuộc về bóng đá Việt Nam.

Thế nên, làm mới nhân sự đội tuyển Việt Nam theo hướng một cuộc cách mạng để tạo ra sự đột biến về thành tích vào thời điểm này e rằng quá khó. Có lẽ, chúng ta sẽ phải trông chờ vào quan điểm “liệu cơm gắp mắm” mà ông Kim từng thể hiện ở đợt tập trung tháng 6 vừa qua.

Còn với lối chơi, đội tuyển Việt Nam trong 2 trận cuối vòng loại World Cup 2026 thể hiện được sự tích cực như phòng ngự chủ động hơn, cự ly đội hình hợp lý, mảng miếng tấn công rõ ràng.

Nhưng chìa khóa của thành công ban đầu ấy chỉ là một vài điều chỉnh nho nhỏ về kỹ thuật cũng như các tuyển thủ thể hiện tinh thần, tính chiến đấu cao hơn so với trước đây. Còn trước mắt, huấn luyện viên Kim Sang-sik sẽ phải áp dụng triết lý của ông với đội tuyển Việt Nam.

Khả năng nắm bắt của các tuyển thủ, sự thích ứng của 2 bên đang còn bỏ ngỏ. Ông Kim nổi tiếng với tính kỷ luật ở cấp câu lạc bộ. Nhưng nhiệm vụ lần này là với một đội tuyển quốc gia cùng nhiều khác biệt. Liệu ông có thành công?

Nhìn nhận về vấn đề này, bình luận viên Ngô Quang Tùng nêu quan điểm, mỗi huấn luyện viên có tiêu chí chọn người khác nhau. Theo ông Tùng, một phương án thú vị là ông Kim sẽ dung hòa những nét đặc sắc của 2 đồng nghiệp tiền nhiệm, đồng thời có chiến lược hài hòa, cùng lúc đạt nhiều mục đích làm bước đệm cho cuộc chơi đường dài.

Đội tuyển Việt Nam cần thay đổi, nhưng như thế nào cho hợp lý mới là vấn đề. Quan trọng là ông Kim phải quy tụ được một tập thể mạnh mẽ về thể lực lẫn tâm lý, đủ khát vọng và đồng lòng nhất trí.

doi tuyen bong da viet nam5.jpg
Huấn luyện viên Kim Sang-sik cùng các học trò đợt tập trung tháng 6/2024. Ảnh minh họa: INT.

Áp lực từ… “quân xanh”

Có thể thấy về chuyên môn của đội tuyển Việt Nam sau 2 trận đấu mà huấn luyện viên Kim Sang-sik dẫn dắt không quá ấn tượng, ít cái mới từ cách sử dụng nhân sự tới lối chơi.

Hàng phòng ngự vẫn rất mong manh giống như giai đoạn ông Troussier nắm quyền, trong khi đó, lối chơi tấn công cũng chưa để lại nhiều dấu ấn lớn trong cách vận hành, chủ yếu vẫn là sự tỏa sáng của vai trò cá nhân. Hiệu suất ghi bàn cao hơn khá nhiều so với trước đây (2 bàn/1 trận), phần lớn nhờ vào sự chuyển biến về tinh thần của các tuyển thủ và như đã đề cập, một trong 2 đối thủ chưa xứng tầm – Philippines.

Tất nhiên, ông Kim có lý do “bào chữa” cho những tồn tại đã được nhận diện, đó là giai đoạn ông mới nắm đội tuyển Việt Nam. Còn bây giờ, ông thầy người Hàn Quốc sẽ bước vào cuộc chơi với tâm thế và kỳ vọng mới, khó hơn rất nhiều.

Bên cạnh đòi hỏi tái thiết về lối chơi, con người mang tính chiến lược, trong giai đoạn tới, ông Kim gánh trọng trách giúp đội tuyển Việt Nam chinh phục AFF Cup 2024 và giành suất tham dự Vòng chung kết ASIAN Cup 2027.

Muốn vậy, đội tuyển Việt Nam phải sở hữu lực lượng đông đảo, chất lượng và vận hành trôi chảy triết lý của chiến lược gia sinh năm 1976 này. Ông Kim vừa phải nâng cao tính cạnh tranh ở đội tuyển cũng như bảo đảm được yếu tố kế cận, và đồng thời không bỏ qua bài toán thành tích.

Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, đội tuyển Việt Nam cùng với Thái Lan và đội tuyển Nga sẽ góp mặt ở giải giao hữu tam hùng, do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức tại sân Mỹ Đình. Giải đấu này được coi là cơ hội lớn để đội tuyển Việt Nam thử nghiệm, lắp ghép đội hình và lối chơi chuẩn bị cho AFF Cup diễn ra vào cuối năm nay. 3 đội tuyển sẽ đá vòng tròn tính điểm. Thầy trò huấn luyện viên Kim Sang-sik dự kiến gặp đội tuyển Nga ngày 5/9 rồi đấu Thái Lan ngày 10/9.

Đội tuyển Việt Nam và Thái Lan là kỳ phùng địch thủ ở Đông Nam Á. Dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng SEA Games cùng nhiều chiến tích, trong đó qua mặt đội bóng xứ chùa Vàng để trở thành đại diện duy nhất của khu vực vào vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Thế nhưng, trong khuôn khổ các giải đấu chính thức, ông Park và các học trò chưa thể thắng được Thái Lan. Hai lần đụng độ ở AFF Cup gần đây (2020 và 2022), đội tuyển Việt Nam đều ngậm ngùi thất bại trước Thái Lan, một ở chung kết và một ở bán kết. Thế nên, cuộc đấu với Thái Lan sẽ mang tới sức ép rất lớn cho ông Kim, cho dù đây chỉ là một trận giao hữu.

Đối thủ thứ ba tại giải tam hùng là đội tuyển Nga có trình độ vượt trội, hiện đứng thứ 33 FIFA, trong khi vị trí của Việt Nam là 115 và Thái Lan là 101. Sau đội tuyển Hàn Quốc hồi năm ngoái, Nga sẽ là một trong những đối thủ mạnh nhất, có xếp hạng FIFA cao nhất mà đội tuyển Việt Nam đụng độ ở các trận giao hữu trong những năm gần đây.

Ở loạt trận đấu giao hữu quốc tế gần nhất mà đội tuyển Nga tham gia, diễn ra hồi đầu tháng 6 tại Minsk (Belarus), gặp đội chủ nhà Belarus, thành phần đội tuyển Nga có 5 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý có thủ môn Matvey Safonov (Paris Saint Germain, Pháp), tiền vệ Daler Kuzyaev (Le Harve, Pháp), Arsen Zakharyan (Real Sociedad, Tây Ban Nha).

Giải quốc tế chính thức gần nhất mà đội tuyển Nga tham dự là EURO 2020. Năm đó, họ nằm ở bảng B với các đội Bỉ, Đan Mạch và Phần Lan. Đội Nga đứng cuối bảng này, bị loại sau vòng bảng.

Hiện tại, tuy thành tích sa sút ở các giải đấu lớn, song đội tuyển Nga vẫn giữ được một số nét đặc trưng, như kỹ thuật, sự tinh tế trong lối chơi, cộng với lợi thế rõ rệt về hình thể.

Cầu thủ Nga rất cao lớn, thiện chiến trong các pha bóng bổng. Riêng trong trận đấu giữa Nga và Belarus hồi tháng 6 năm nay, bên cạnh các thủ môn hầu hết cao trên 1,90m, đội tuyển Nga còn có nhiều cầu thủ sở hữu chiều cao “khủng”, như Igor Diveyev (1,93m), Maksim Osipenko (1,93m), Aleksandr Soldatenkov (1,89m), Nikita Chernov (1,88m), tiền vệ Artyom Karpukas (1,84m), tiền đạo Ivan Sergeyev (1,84m)…

Thế nên, cả 2 trận đấu tại giải tam hùng đều là bài kiểm tra rất khó cho đội tuyển Việt Nam, đặc biệt với huấn luyện viên Kim Sang-sik. Tuy thành tích tại giải giao hữu không quá quan trọng, song nếu không đạt được thành tích như mong đợi nhất là trận gặp Thái Lan, chắc chắn sức ép mạnh mẽ sẽ bủa vây ông Kim. Hãy chờ xem ông thầy sinh năm 1976 này sẽ ứng phó như thế nào?

Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, mức độ thay đổi lối chơi đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ cần bắt đầu từ con người. Ông Kim sẽ lựa chọn giữa trở lại cách đá của ông Park hay như ông Troussier.

Nếu đội tuyển Việt Nam quay lại lối chơi chắc chắn sở trường, thì chưa biết đá với đối thủ Thái Lan hay Indonesia, ai sẽ hơn ai. Nhưng lớp trẻ dưới 23 tuổi không có nhiều gương mặt nổi trội có thể gánh vác ngay lập tức. Nguồn lực Việt kiều vẫn là dấu hỏi cả về số lượng lẫn chất lượng, không bảo đảm vượt qua rào cản pháp lý cho AFF Cup 2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa ICBM Hwasong 15 của Triều Tiên.

Báo Mỹ viết về bóng ma hạt nhân

GD&TĐ - Theo Wall Street Journal, căng thẳng toàn cầu gây lo ngại lớn nhất về bóng ma hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Minh họa/INT

Chốt mục tiêu tấn công

GD&TĐ - Khu vực Trung Đông vẫn chưa hết thấp thỏm về màn trả đũa của Israel nhằm vào Iran trong khi Tel Aviv tuyên bố đã chốt mục tiêu.

Các trường đại học Australia mất đi sức hút trên thị trường quốc tế.

Đại học Australia tụt hạng

GD&TĐ - Giáo dục đại học Australia có nguy cơ giảm cạnh tranh vì gần một nửa ngành học nước này tụt hạng trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2025.