Ngày 7/11, thông tin từ Công an quận Bình Tân (TP. HCM) cho biết đơn vị này đang tiến hành tạm giữ hình sự Trần Gia Đức (32 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP. HCM) để điều tra hành vi “Cướp giật tài sản”.
Theo thông tin của vụ việc, vào buổi trưa ngày 6/11, chị T.K.H. (SN 2002, quê Đồng Nai) đang đi bộ trên đường thuộc phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) thì bất ngờ bị Đức điều khiển xe máy vượt lên giật chiếc điện thoại.
Phát hiện sự việc, nạn nhân đã nắm đuôi xe máy của đối tượng thì Đức tăng ga, kéo lê chị H. trên đường khoảng 500m. Chị H. bị thương và được người dân đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Đến trưa ngày 7/11, Đức bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đối tượng khai nhận do thiếu tiền nên nảy sinh ý định cướp giật. Trước khi tiến hành vụ cướp điện thoại của chị H., Đức đã di chuyển qua nhiều tuyến đường để tìm kiếm “con mồi”.
Chiếc điện thoại Iphone 6 plus cướp được Đức đem bán được 1,2 triệu đồng và tiêu xài cá nhân. Theo cơ quan chức năng, Đức từng có 2 tiền án tội Trộm cắp tài sản và Cướp giật tài sản.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá hành vi của đối tượng là hết sức manh động và táo tợn gây ra thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân và bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy việc cơ quan điều tra sớm bắt giữ được đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật là rất đáng được biểu dương.
Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì đối tượng Đức là đối tượng gây án và đã có hai tiền án về tội trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản. Tuy nhiên sau thời gian cải tạo, đối tượng này vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
“Điều này cho thấy đây là đối tượng lười lao động, vì muốn có tiền, tài sản ăn chơi mà sẵn sàng chiếm đoạt tài sản của người khác, bất chấp sức khỏe, tính mạng của chủ sở hữu tài sản bởi vậy với hành vi phạm tội lần này thì đối tượng này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật thì mới có thể giáo dục, cải tạo cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, Luật sư Cường cho biết.
Hành vi của đối tượng là tìm kiếm người có tài sản, áp sát nạn nhân, giật tài sản và nhanh chóng tẩu thoát, đây là hành vi điển hình của tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên, trong vụ việc này nạn nhân có giằng co, chống trả đối tượng gây án.
Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng này diễn biến như thế nào. Đối tượng này có hành vi nào sử dụng vũ lực để tấn công nạn nhân nhằm chiếm đoạt hay không? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng giật tài sản nhưng chưa nắm giữ được, chưa chiếm đoạt hoàn toàn mà có sự giằng co với nạn nhân, đối tượng sử dụng vũ lực để chiếm đoạt được tài sản thì sẽ chuyển hóa tội phạm từ tội cướp giật tài sản sang tội cướp tài sản.
Còn trường hợp đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản, bỏ chạy và chỉ hành hung để tẩu thoát thì sẽ xử lý về tội cướp giật tài sản nhưng hành vi hành hung để tẩu thoát mà gây ra thương tích thì có thể xử lý thêm về hành vi cố ý gây thương tích, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong tội cướp giật tài sản.
Đây là những vấn đề quan trọng để quyết định tội danh và làm cơ sở áp dụng mức hình phạt đối với đối tượng này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của đối tượng, hành vi của nạn nhân, hậu quả mà đối tượng gây ra cho nạn nhân để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Trường hợp xử lý đối tượng về tội cướp giật tài sản thì đối tượng sẽ bị áp lực nhiều tình tiết định không tăng nặng trách nhiệm hình sự như: hành hung để tẩu thoát, gây thương tích cho nạn nhân nên hình phạt mà đối tượng này sẽ phải đối mặt là từ 03 năm tù đến 10 năm tù.
"Đây là vụ án cướp giật tài sản nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy cơ quan điều tra cần sớm điều tra làm rõ các tình tiết của vụ án để xử lý đối tượng này một cách nghiêm minh theo quy định của pháp luật và có thể xét xử lưu động để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Khi quyết định hình phạt tòa án sẽ áp dụng hình phạt thật nghiêm khắc thì mới có khả năng cải tạo, giáo dục được đối tượng mà nhiều lần phạm tội liên tục như thế này", Luật sư Cường cho biết.