Đối thoại để tìm hướng tiếp cận gần hơn với trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Ngày 27/1, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Văn phòng Caritas (Thụy Sỹ) tổ chức diễn đàn Đối thoại thực trạng, chính sách phát hiện sớm và xác định mức độ khuyết tật.

Quang cảnh buổi đối thoại
Quang cảnh buổi đối thoại

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bệnh viện Nhi trung ương; Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (VAN); đại diện Hội người khuyết tật một số địa phương cùng các nhà nghiên cứu, quản lí, chuyên gia trong và ngoài nước về giáo dục trẻ khuyết tật cùng dự sự kiện.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường quan hệ đối tác giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao tiếp cận giáo dục cho trẻ em khuyết tật" do tổ chức Caritas Thụy Sĩ hỗ trợ, phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thực hiện từ năm 2014-2017 tại Hà Nội.

Các tham luận tập trung phân tích thực trạng và những bất cập trong chính sách hỗ trợ người khuyết tật hiện nay: từ việc xác định dạng khuyết tật, thành phần tham gia xác định chính xác mức độ khuyết tật để hỗ trợ đúng đối tượng,...

Ông Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa tâm thần, bệnh viện Nhi TW - chia sẻ về thực trạng đánh giá, xác định trẻ khuyết tật tại Bệnh viện, đồng thời mong được sự phối hợp từ các ban ngành liên quan để có thể đánh giá đúng về các dạng khuyết tật, để trẻ được sự hỗ trợ từ nhà trường, từ xã hội; đề xuất việc thiết lập thành phần hợp lý đối với Hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật để có thể xác nhận đúng mức độ khuyết tật ở trẻ.

Bà Nguyễn Tuyết Hạnh - Phó Chủ tịch mạng lưới người tự kỉ Việt Nam (VAN) - chia sẻ: Hiện nay, vấn đề xác nhận dạng khuyết tật tự kỉ còn nhiều vấn đề khó khăn vì số lượng trẻ tự kỉ đang ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, hội đồng xác nhận khuyết tật tự kỷ còn bất cập: Chưa có đủ chuyên môn và đầy đủ các thành viên tham gia để xác định đúng dạng và mức độ KT. Nhiều phụ huynh khi đưa con đến viện Nhi, các trung tâm thì được xác định là tự kỷ nhưng về Phường thì lại không được công nhận.

Rối loạn phát triển là một dạng khuyết tật rất mới, nếu chỉ xếp tự kỷ vào thần kinh, tâm thần thì chưa đúng. Nếu Tự kỉ có thể được xếp vào Rối loạn phát triển thì sẽ rất tốt cho các con của chúng tôi.

Ông Nguyễn Trung Thành - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - đánh giá cao ý tưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, của các nhà khoa học, điều đó chứng tỏ sự quan tâm ngày càng cao của Nhà nước, của cộng đồng đến Người khuyết tật.

Đồng thời đánh giá cao các ý kiến tham luận, trao đổi của đại biểu. Ông Thành cũng cho biết: Cục Bảo trợ xã hội đang tham mưu chính cho Bộ về vấn đề Luật, văn bản Pháp luật về Người khuyết tật, chủ trương lắng nghe và sửa đổi các chính sách phú hợp với thực tế để người khuyết tật được hưởng các quyền lợi chính đáng.

Về phía ngành Giáo dục, bà Vũ Thị Thu Hằng – Chuyên viên Vụ Giáo dục Mầm non - nhất trí với nhận định của Bộ Lao động Thương binh xã hội trong việc ban hành và thực thi Luật.

Về Hội đồng xác định dạng và mức độ khuyết tật, phía giáo dục, trẻ ở độ tuổi nào thì có thành phần giáo dục độ tuổi đó.

Hiện nay, công cụ xác định mức độ khuyết tật: đều lúng túng, do chúng ta chưa có công cụ phát hiện sớm khó khăn, khuyết tật của trẻ. Để có thể sử dụng công cụ này hiệu quả nhất thì dựa vào hệ thống các trường, vì phát hiện của giáo viên là phát hiện đầu tiên, sát sao nhất với trẻ, sau đó là phát hiện sâu hơn của bên Y tế.

Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu bộ công cụ được chuẩn hóa từ Mỹ, nhưng có trở ngại trong quá trình đưa vào văn bản pháp luật vì tâm lý sợ mang danh khuyết tật của cha mẹ.

Do vậy, để có thể làm tốt việc phát hiện sớm khuyết tật: Thứ nhất, xem xét đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả đối tượng (cha mẹ, giáo viên, xã hội...). Thứ hai, hoàn thiện hệ thống văn bản để nhiều trẻ có thể tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục. Thứ ba, giám sát thực hiện các văn bản pháp luật.

PGS. TS Phạm Minh Mục - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) - nhấn mạnh: Tất các các ý kiến tham luận đều đã nhất trí rằng, tăng cường các biện pháp phát hiện sớm và xác định mức độ khuyết tật không phải chỉ để các em nhận được kinh phí hỗ trợ từ chính sách mà là để các em nhận được sự quan tâm đúng mức, hợp lý từ gia đình, nhà trường và xã hội.

"Tất cả các ý kiến tham luận đều rất hữu ích đối với tình hình thực tế về phát hiện sớm và xác định mức độ khuyết tật. Các ý kiến đóng góp sẽ được tập hợp gửi về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để có những điều chỉnh đảm bảo tính khả thi nhất, đảm bảo những quyền lợi mà người khuyết tật đáng được hưởng." - Ông Hoàng Văn Tú, Trưởng dự án CARITAS Thụy Sĩ tại Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ