Theo thời gian, chất thải nhựa phân hủy dần, thôi ra thành các mảnh nhỏ hơn gọi là vi nhựa, và cuối cùng thường đổ vào các đại dương, rồi từ đó, có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa. Tất cả các tổ chức ký kết cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.
Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của nó đối với con người, động vật và môi trường.
Chiến dịch này, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi - ở cấp độ hành vi, thể chế và chính sách – giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.
Lễ ký Quy tắc ứng xử là một điểm nhấn trong Chiến dịch vận động chống ô nhiễm nhựa, một chiến dịch chung của các đại sứ quán và đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Sau lễ ký sẽ có một hội thảo bàn tròn về vấn đề ô nhiễm nhựa, trong đó các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và các nhà hoạt động môi trường sẽ thảo luận về những thách thức trong việc giảm chất thải nhựa và đề xuất các phương pháp giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa.