“Tốc độ xử lý” là khái niệm mô tả thời gian một người nào đó nhận thức được thông tin, xử lý và hình thành hoặc đưa ra phản hồi. Khi trẻ không được hòa nhập tốt với môi trường xung quanh, chúng có thể bộc lộ các vấn đề về hành vi và những khó khăn khác khi trưởng thành.
Theo Tiến sĩ Ellen Braaten - Phó Giám đốc Trung tâm Clay về tư duy khỏe mạnh của trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH), Phó Giáo sư tâm lý học tại Trường Y Harvard, không có cách nào đơn giản để khiến ai đó hành động nhanh hơn. Tuy nhiên, việc chấp nhận, điều chỉnh và ủng hộ là một biện pháp chung để “đối phó” với tình trạng lề mề của một số người. Do đó, nữ chuyên gia này đã cung cấp cho phụ huynh một số gợi ý cụ thể về cách đối phó với sự lề mề của trẻ ở nhà và trường.
Ở nhà, việc trẻ luôn chậm chạp có thể khiến hầu hết mọi tình huống trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, thói quen xấu này của con có thể khiến mọi thành viên trong gia đình phải chờ.
Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi trẻ không hòa nhập tốt với môi trường xung quanh, chúng có thể bộc lộ các vấn đề về hành vi và những khó khăn khác khi trưởng thành.
Ban đầu, tính lề mề ở trẻ đơn giản là vấn đề nhỏ giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên, thói quen xấu này có thể trở nên quan trọng hơn theo thời gian. Do đó, điều cần thiết là cha mẹ phải biết “tốc độ xử lý” của chính mình. Từ đó, có thể hiểu rõ hơn về biện pháp phù hợp với con.
Cha mẹ có thể làm gì ở nhà?
Nhận biết cách tốc độ xử lý ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày ở nhà là bước đầu tiên quan trọng để giúp trẻ khắc phục những điểm yếu này. Nếu con thường xuyên chậm chạp, giảm tác nhân gây căng thẳng trong gia đình là điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm cho trẻ.
Trên thực tế, hàng chục nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giảm căng thẳng là điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm cho bất kỳ đứa trẻ nào. Cụ thể, có một số chiến lược thiết thực để điều chỉnh tốc độ xử lý chậm ở nhà của trẻ.
Phụ huynh có thể duy trì mọi thứ ở cùng một thời điểm, cùng ngày, cùng một nơi. Thiết lập một thói quen và lịch trình rõ ràng để trẻ hành động nhanh hơn khi ở nhà. Theo bà Braaten, một nhiệm vụ theo quy trình sẽ có khả năng khiến trẻ hoàn thành chúng một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, nữ chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên thay đổi cách giao tiếp ở nhà. Hãy điều chỉnh tốc độ, giọng điệu và độ phức tạp trong cách nói chuyện với con. Điều này không có nghĩa là cha mẹ cần nói quá chậm. Thay vào đó, hãy lưu ý nếu phụ huynh là người có tốc độ nói nhanh. Khi nhận thức điều đó, cha mẹ sẽ không cung cấp quá nhiều thông tin trong thời gian ngắn.
Việc chú ý tới đồng hồ cũng được coi là một chiến lược hiệu quả. Hành động này sẽ nâng cao nhận thức của con về thời gian. Từ đó, hỗ trợ trẻ quản lý thời gian.
“Hãy nhớ rằng, hành động và hình ảnh có ý nghĩa lớn hơn lời nói. Sử dụng cả hình thức lời nói và hình ảnh để giúp con xử lý thông tin nhanh hơn”, Tiến sĩ Braaten cho biết.
Đối phó trong lớp học
Nếu đối phó với việc trẻ xử lý chậm ở nhà đã khó, giải quyết vấn đề này trên lớp học còn khó hơn. Các lớp học thường hoạt động theo một tốc độ nhất định và khi thường xuyên lề mề, trẻ sẽ cảm thấy bị tụt hậu.
Trong cuốn sách “Những đứa trẻ không thể theo kịp”, Tiến sĩ Braaten đã lưu ý tầm quan trọng của việc tìm ra cách một đứa trẻ cố gắng đối phó với tốc độ xử lý chậm mang tính cách thờ ơ. Những đứa trẻ như vậy có xu hướng mang tính cách của “kẻ chậm chạp” và coi đó là điều bình thường. Trẻ biết rằng mình không nhanh bằng bạn cùng lứa. Tuy nhiên, chúng không thực sự quan tâm đến điều đó.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Braaten nhận định, những đứa trẻ lo lắng thường có xu hướng chậm chạp. Tốc độ xử lý vốn đã yếu khiến trẻ lo lắng. Đó là nguyên nhân khiến trẻ càng chậm hơn. Nếu được giảng dạy bởi một giáo viên thấu hiểu sự lo lắng và không đặt nặng vấn đề tốc độ, trẻ sẽ có xu hướng làm tốt. Tuy nhiên, một giáo viên coi trọng sự nhanh nhẹn và hoàn hảo thường không phù hợp với những đứa trẻ này.
Ngoài ra, những đứa trẻ “lạc lối” cũng có xu hướng chậm chạp. Bởi, chúng không bao giờ ở đúng nơi, đúng lúc. Ở trường trung học, những đứa trẻ như vậy có thể xuất hiện không đúng giờ. Trong khi ở trường tiểu học, phụ huynh có thể thấy trẻ bị lạc trên đường từ phòng tắm trở lại lớp. Vì vậy, Tiến sĩ Braaten cho rằng, những giáo viên có thời gian để tìm “viên ngọc thô” là một kết hợp hoàn hảo dành cho kiểu học sinh này.
“Có thể thấy rõ, giáo viên sẽ là yếu tố quan trọng nhất đối với những đứa trẻ này. Tôi nhận thấy rằng, một số phương pháp đã được chứng minh là đặc biệt hữu ích. Điều này bao gồm những giáo viên đồng cảm, có khiếu hài hước và chu đáo về khối lượng công việc (bao gồm không chú trọng đến công việc bận rộn)”, nữ chuyên gia chia sẻ.
Mặt khác, các đặc điểm trường học cần có để hỗ trợ trẻ lề mề bao gồm một môi trường cởi mở cho sự hợp tác giữa phụ huynh và giáo viên. Đồng thời, đó cần là một môi trường truyền tải sự chú trọng tích cực vào khác biệt của từng cá nhân. Ngoài ra, đó phải là một trường học gọn gàng, sạch sẽ cả về thể chất và thị giác, thời gian giải lao linh hoạt.
Quản lý một đứa trẻ có tốc độ xử lý chậm ở nhà và trường là một thách thức đối với cả người thân hay thầy cô. Do đó, việc cha mẹ tiếp cận trường học với tư cách cộng tác sẽ giúp tạo tiền đề để con tận dụng những cơ hội do môi trường học tập mang lại. Việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp để đáp ứng những thách thức so với chấp nhận là một việc khó khăn. Tuy nhiên, trẻ hoàn toàn có thể làm được.