Đổi mới tiết chào cờ tăng thêm giá trị giáo dục

GD&TĐ - Phần lễ được tổ chức đầy đủ trang nghiêm, nhưng ngắn gọn, súc tích, thời gian còn lại của lễ chào cờ được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng. Việc đổi mới tiết chào cờ đầu tuần tại Nghệ An những năm gần đây đã tạo thêm nhiều giá trị giáo dục cho học sinh.

Lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần tại trường Tiểu học Tri lễ 4
Lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần tại trường Tiểu học Tri lễ 4

Lồng ghép các hoạt động

Trường Tiểu học Tri lễ 4, huyện Quế Phong, Nghệ An là một ngôi trường ở vùng biên với 6 điểm trường nằm ở 6 bản làng xa xôi, biệt lập. Mặc dù cơ sở vật chất khó khăn, điều kiện dạy học còn thiếu thốn, nhưng mỗi sáng thứ 2 đầu tuần, tiết chào cờ vẫn được tổ chức nghiêm trang, đầy đủ.

Bài hát Quốc ca, Đội ca vang lên không phải từ loa đài và từ những em học sinh người Mông, trong đó có nhiều em tiếng Việt còn chưa sõi, phát âm chữa rõ ràng nhưng vô cùng xúc động, thiêng liêng. “Đó là bài học đầu tiên các thầy ở đây dạy cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc. Có thể các em chưa hiểu được hết ca từ trong đó, nhưng sẽ thấm dần qua từng tuần, từng tháng, từng năm”, thầy Lang Văn Nhàn – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Sau phần lễ, nhận xét nề nếp, kỷ luật các lớp trong tuần thì học sinh được tổ chức chơi các trò chơi dân gian, hoặc biểu diễn các điệu múa truyền thống, thi kể chuyện… Các hoạt động sôi nổi, vừa thu hút các em hào hứng thích thú với tiết chào cờ, giúp các em mạnh dạn giao tiếp hơn, vừa để răng cường Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Có mặt tại lễ chào cờ tại Trường Tiểu học Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An, phần lễ, nhận xét các hoạt động giáo dục toàn trường được gói gọn trong khoảng 25 phút. Sau đó, là phần thi múa tập thể của các lớp.

Theo cô Cao Thị Thủy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: đây là một trong những cuộc thi được tổ chức cho học sinh của trường như thi hát, múa, thi rung chuông vàng... Theo đó, các nội dung thi không phải tổ chức riêng thành 1 buổi, hay 1 ngày, mà lồng ghép vào mỗi tiết chào cờ. Mỗi tuần như vậy sẽ có một lớp hoặc một khối biểu diễn. Đến tuần sau sẽ có lớp khác, khối khác, như vậy tiết chào cờ nào cũng có thêm nội dung hấp dẫn.

Giáo dục tư tưởng, phẩm chất cho học sinh

Hát múa truyền thống trong một tiết chào cờ
Hát múa truyền thống trong một tiết chào cờ

Hai năm học qua, tiết chào cờ của trường Tiểu học Trường Thi luôn sôi nổi với nhiều hoạt động được lồng ghép vào như: thi nhảy sạp, kể chuyện, múa tập thể. Đặc biệt, mỗi tháng, cán bộ phụ trách thư viện phải giới thiệu ít nhất được hai quyển sách mới cho học sinh.

Từ việc đọc những cuốn sách do nhà trường giới thiệu, để kích thích các em hứng thú tìm và đọc những quyển sách hay, nhằm phát triển văn hóa đọc cho học sinh. “Tiết chào cờ đầu tuần đã thực sự là tiết giáo dục ngoài giờ lên lớp bổ ích nên đã thu hút được sự tập trung cao độ của học sinh. Trong tiết chào cờ không còn việc học sinh ồn ào, nói chuyện hay nghịch phá. Đây chính là sự thành công của việc đổi mới nội dung sinh hoạt đầu tuần của trường chúng tôi trong những năm học qua”, cô Trịnh Thi Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thi nói.

Những thay đổi trong tiết chào cờ không chỉ tạo không khí sôi nổi, hứng khởi cho học sinh, mà còn làm mới một giờ học về những kỹ năng, phẩm chất khác. Trong một tiết chào cờ tại Trường THPT Tây Hiếu, Thị xã Thái Hòa, học sinh của trường cùng tham gia cuộc thi tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.

Thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên trong tiết chào cờ tại Trường THPT Tây Hiếu (Nghệ An)

Thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên trong tiết chào cờ tại Trường THPT Tây Hiếu (Nghệ An) 

Các kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, quá trình thụ thai, những hệ lụy khi mang thai ở tuổi vị thành niên… được đề cập và giải thích rõ ràng. Qua buổi tìm hiểu này, mới thấy các em rất hào hứng và quan tâm đến chủ đề giáo dục giới tính và có hiểu biết nhất định. Nhưng đi vào từng trường hợp cụ thể, các em lại lúng túng, không biết xử trí như thế nào cho đúng, phù hợp.

“Thực tế, bản thân giáo viên của nhà trường cũng ngại nói về giới tính với học sinh. Khi xóa bỏ được tâm lý ngại ngùng đó, để tổ chức thành buổi nói chuyện, thảo luận, thì mới hay các em đón nhận thông tin một cách nghiêm túc, nhiệt tình”, thầy.. bí thư Đoàn trường THPT Tây Hiếu chia sẻ.

Học sinh hiện nay rất năng động, có nhu cầu tìm hiểu, khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Và ở trường học, các thầy cô giáo phải là người nắm bắt được nhu cầu đó, để tổ chức thành các hoạt động, phong trào, định hướng giáo dục cho các em.

Nhiều năm nay, tiết chào cờ được các em học sinh trường THPT DTNT số 2 Nghệ An háo hức, mong chờ. Nhà trường đã tổ chức nhiều chuyên đề lồng ghép vào đó như: sinh hoạt các CLB Toán, Vật Lý, Hóa học, Văn học, biểu diễn tiết mục văn hóa truyền thống. Mỗi tuần, sẽ có một lớp phụ trách đưa ra nội dung thảo luận. Ví dụ bình chọn sáng tác hay của học sinh trong trường, thì trong tuần, các bạn viết thơ, truyện gửi cho ban chủ nhiệm CLB văn học.

Ban chủ nhiệm sẽ lựa chọn sơ loại, in ra dán lên bảng tin của trường cho mọi người bình chọn. Đến tiết chào cờ sẽ công bố kết quả, đọc, bình luận một số tác phẩm xuất sắc, và trao quà cho tác giải đạt giải.

Chính nhờ những hoạt động đó, đã khiến cho giờ chào cờ có ý nghĩa khởi đầu sôi nổi, hào hứng cho một tuần học mới. Quan trọng hơn, là ần dần tạo thói quen và hình thành những phẩm chất tư tưởng, đạo đức tốt đẹp cho học sinh, để cùng với hành trang kiến thức giúp các em vững bước vào tường lai.

Thực hiện Đề án 1501 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của ngành và UBND tỉnh Nghệ An, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành đã lồng ghép, tích hợp các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh trong các môn học, giờ sinh hoạt, trong đó có đổi mới tiết chào cờ.… Qua đó, góp phần bồi dưỡng kiến thức, phẩm chất đạo đức, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, lối sống cho học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ