“Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” ở miền núi, biên giới phía Bắc

“Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” ở miền núi, biên giới phía Bắc

Cụm thi đua số 4 có 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc gồm: Điện Biên  (Cụm trưởng), Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Sơn La. Đây là những địa phương có tính đặc thù với vô vàn khó khăn do: Dân trí không đồng đều, kinh tế chậm phát triển, tình hình di dịch cư tự do diễn biến phức tạp...

Trong công tác giáo dục, ở hầu khắp các địa phương, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; Đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên ngoại ngữ (Điện Biên thiếu 1.404 giáo viên; Lai Châu thiếu 310 giáo; Cao Bằng thiếu giáo viên, nhân viên bảo vệ, kế toán, văn thư; Hà Giang thiếu giáo viên mầm non; Lào Cai thiếu giáo viên Tiểu học, THCS môn Tiếng Anh).

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn tại hội nghị
 Các tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn tại hội nghị

Tuy vậy, ngay từ đầu năm học 2019 – 2020, các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 trên địa bàn, đặc biệt là việc ban hành hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng toàn ngành, phát động đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn kết với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên phát biểu tại hội nghị
 Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên phát biểu tại hội nghị

Các cơ sở giáo dục đã niêm yết công khai và thực hiện nghiêm túc Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Cùng với đó là việc xây dựng được các mô hình điển hình như trường học gắn liền với thực tiễn, thực hiện phương châm học đi đôi với hành.

Điển hình như: mô hình “Trường học - công viên” ở tỉnh Lạng Sơn; mô hình “Thư viện thân thiện” ở Điện Biên; Mô hình "Giỏ sách mini", mô hình giữ gìn nét văn hóa dân tộc Clao và hát tiếng Nùng, mô hình rèn công tác nội vụ đối với học sinh bán trú và thư viện xanh và góc văn hóa truyền thống của tỉnh Hà Giang; mô hình “Trường học nông trại”, “Trường học du lịch”, “Trường học sinh thái”; “Trường học đa văn hóa và cộng đồng thân thiện vì trẻ em”, “Xây dựng khu vườn lịch sử” ở Lào Cai.

Ở các địa phương đã thực hiện các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả, điển hình là phong trào thi đua “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp phát triển, giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ” của tỉnh Lạng Sơn; mô hình “Lớp học kiểu mẫu”, "Cùng bạn đến trường" ở Hà Giang; mô hình dạy học phân loại phù hợp với đối tượng và nhận thức của học sinh tiểu học tại Điện Biên; phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”, Hội thi “Người đứng đầu cơ sở GD&ĐT Lào Cai làm theo lời Bác” ở Lào Cai; phát động đợt thi đua cao điểm từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2020 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trọng tâm là chất lượng giáo dục lớp 12 ở Sơn La.

Ông Nguyễn Văn Kiên (đứng giữa), Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên trao quà lưu niệm cho các đơn vị
 Ông Nguyễn Văn Kiên (đứng giữa), Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên trao quà lưu niệm cho các đơn vị

Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tại hội nghị, các địa phương đã kiến nghị với Chính phủ; Quốc Hội, Bộ GD&ĐT và các ngành  nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất; đội ngũ và chế độ, cơ chế chính sách, các văn bản hướng dẫn cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết, Học kỳ II năm học 2019 – 2020, các địa phương thuộc cụm thi đua số 4 sẽ tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung chủ yếu vào thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp của ngành năm học 2019 - 2020 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; Thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Kế hoạch của tỉnh đảm bảo kịp thời, bám sát thực tiễn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ