Tối đa hóa việc học của học sinh
Kể từ khi về nhận công tác và gắn bó với ngôi “trường làng” thân yêu này, cô Lan đã chắp cánh bao ước mơ cho các thế hệ học trò. Cô tự trau dồi bản thân để trở thành tấm gương cho các em noi theo, và luôn nêu cao tinh thần tự học, bồi dưỡng, tận tụy với nghề, tâm huyết sáng tạo, hết lòng với học sinh thân yêu.
Cô luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của học sinh. Với mục tiêu tối đa hóa việc học, trong quá trình lên lớp, cô áp dụng giảng dạy phân hóa, điều chỉnh nội dung bài học và phương thức dạy học. Cô chia nhóm để các em hỗ trợ lẫn nhau trong học tập, sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học. Sau mỗi buổi học, cô thường làm một cuộc khảo sát nhỏ bằng cách: Hỏi trực tiếp hoặc cho các em viết vào mảnh giấy nhỏ những gì chưa hài lòng. Từ đó, cô rút kinh nghiệm cho tiết học sau.
Nhận thấy học sinh hứng thú với phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, cô Lan thực hiện nhiều chuyên đề cấp trường, huyện. Cô cho biết: Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, đặc biệt trong tiết học của môn Khoa học và một số bài môn Toán. “Trong tiết Toán dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2018 - 2019, bài “Diện tích hình bình hành”, tôi mạnh dạn áp dụng phương pháp này. Kết quả, tôi đoạt giải Nhất cấp huyện và được chọn đi thi cấp thành phố. Hay với tiết Toán “Tìm phân số của một số” dự thi giáo viên giỏi cấp thành phố, tôi cũng áp dụng phương pháp dạy học tích cực này và được Ban giám khảo đánh giá cao” – cô Lan chia sẻ.
Biến những tiết học trở nên sinh động
Không chỉ “làm mới” tiết học, cô Lan còn tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nhờ đó, nhiều tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, học sinh dễ học, dễ hiểu bài. Cụ thể: Với tiết Toán “Diện tích hình bình hành”, để minh họa rõ hơn phần cắt ghép hình, mở rộng kiến thức, cô sử dụng hiệu ứng di chuyển hợp lý. Nhờ vậy, học sinh được quan sát trực quan và hiểu bài ngay. Với ứng dụng này, cô được Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tặng Giấy khen về “Ứng dụng sáng tạo công nghệ thông tin trong dạy học”.
Trong công tác chủ nhiệm, cô Lan thường giáo dục học sinh rằng: Sức mạnh của một nhóm được đánh dấu bằng sức mạnh của người yếu nhất trong nhóm. Nếu người đó phạm lỗi, cả lớp cũng bị ảnh hưởng và cùng chịu trách nhiệm. Vì thế, các em phải học cách từ bỏ tính ích kỷ, để giúp đỡ bạn mình cùng tiến lên.
Bằng sự gần gũi, chân thành và yêu thương nên học sinh lớp cô Lan chủ nhiệm luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu trong học tập, biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau và luôn có thành tích cao trong các phong trào thi đua. Cô Lan vinh dự được ngành Giáo dục Thủ đô trao tặng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2018 - 2019.